Trần Hữu Hiệp
TTO - Báo cáo xuất nhập khẩu lần
đầu tiên được Bộ Công thương công bố mới đây cho thấy một bức tranh khả quan. Năm
2016, mặc dù thị trường thế giới có nhiều bất ổn, song Việt Nam vẫn duy trì được
tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, tăng 9% so với năm trước, đạt 176,6 tỉ USD. Trong đó, các mặt hàng nông, thủy sản
chiếm vị trí quan trọng, góp phần cải thiện cán cân thương mại từ nhập siêu
2,55 tỉ USD năm 2015 sang xuất siêu 2,52 tỉ USD năm 2016. Nhóm hàng này đã góp
7/24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Nhưng cùng với thông tin khả quan
về xuất khẩu năm qua là hàng loạt nỗi lo tắc đầu ra nông sản trong các tháng đầu
năm nay. Như có tính chu kỳ, khó khăn lặp đi lặp lại, biết trước nhưng không lường
được.
Hàng loạt nông sản lại rớt giá, hậu
quả là bà con nông dân lãnh đủ. Nông dân nuôi heo, trồng chuối năm qua đã “bại
trận” vì giá heo hơi, giá chuối rớt thảm.
Nay nhiều bà con ở miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên lại tiếp tục “méo mặt”
vì giá dưa hấu, giá ớt, hành tím, vú sữa... rơi tự do từ chục lần đến vài chục
lần. Trong khi đó, do giá cá tra
nguyên liệu lên cao khiến nhiều người đang mở rộng ao nuôi dù chưa biết chắc vụ
sau sẽ thắng hay thua.
Giá các mặt hàng nông sản cứ quay
như chong chóng, lên xuống thất thường. Nông dân vì thế cũng xoay xở theo giá
như con lật đật. Và tới mùa thu hoạch, bà con lại như chờ quay số lô tô.
Tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi
cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập nông dân,
không phải bây giờ mới nhận ra là nhu cầu bức xúc. Nhưng tiếc thay, tình trạng “mạnh ai nấy làm” đã đẩy nông dân
vào cảnh sản xuất như chơi quay số, phó mặc cho may rủi.
Chọn cây trồng, vật nuôi nào tưởng
dễ, hóa ra là câu hỏi khó cho bà con. Người ta trách nông dân “nói hoài không
nghe”, cứ chạy theo “phong trào”. Nhưng
nghe theo khuyến cáo của chính quyền, ngành chức năng, nhiều lúc cũng phải “chịu
thua”.
Mấy năm trước, nhiều nông dân ở
miền Tây đã chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, có địa phương đạt hơn 70% diện
tích canh tác. Trớ trêu là lúa chất
lượng cao “bị cào giá” như chất lượng thấp, thương lái không mua, nông dân
“lãnh đủ” phần thua thiệt.
Yêu cầu sản xuất phải kết nối với
thị trường là vấn đề khó “vượt tầm” của nông dân. Các “chiến dịch giải cứu nông
sản”, giúp đỡ nông dân mà nhiều nơi đang làm là cần, nhưng chỉ mang tính đối
phó nhất thời.
Bà con nông dân đang cần tập hợp
lại cùng với các doanh nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị
được quản lý từ đầu vào đến đầu ra. Nông dân cần “cung hàng sỉ” ổn định lâu dài
hơn là chính sách “cấp hàng lẻ” nhất thời.
Tư duy làm chính sách cần được đổi
mới mang tính chủ động, dựa vào thế mạnh, tiếp cận theo chuỗi giá trị sản phẩm
chủ lực vùng đang là đòi hỏi hết sức bức thiết.
Những chỉ dấu về việc hàng loạt
nông sản rớt giá, đang tắc đầu ra, đòi hỏi nền nông nghiệp phải chuyển đổi để
thích ứng trước nhiều thay đổi nhanh chóng của thị trường nông sản thế giới.
Vai trò của các cơ quan nhà nước
với các vấn đề xuyên suốt vượt ra ngoài khuôn khổ nông nghiệp truyền thống, cần
bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân nhiều hơn bằng
chính sách và công cụ mà chỉ Nhà nước mới có.
Nhận xét
Đăng nhận xét