Trần Hữu Hiệp
TTO - Tại sao hàng gian, thực phẩm
bẩn truy xuất được nơi sản xuất để xử lý, còn cát thì không? Có hay không “khoảng
trống trách nhiệm” khi có sự chồng chéo giữa các bên quản lý khai thác cát để
cát tặc lợi dụng?
Các vụ sạt lở bờ sông Tiền, sông
Hậu nghiêm trọng xảy ra liên tục gần đây đã được nhận diện bởi thủ phạm chính
là cát tặc.
Đó cũng chính là “nhân tai” bị
các nhà khoa học vạch mặt trong việc làm hỏng “chiếc áo giáp phù sa” bồi lắng từ
hệ thống sông chảy ra biển, vốn là vũ khí lợi hại bảo vệ vùng bờ, nay phải gánh
hệ lụy 600km bờ biển ở ĐBSCL bị xói mòn.
Cát tặc không chỉ xảy ra ở vùng
sông nước Cửu Long, mà đã trở nên phổ biến ở khắp các nơi trên cả nước, có lúc
hoạt động ngang nhiên.
Những con số thống kê sơ bộ không
khỏi làm nhiều người giật mình. Mặc dù từ cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã
cấm xuất khẩu cát, nhưng nhiều phi vụ lại nghiễm nhiên khoác lên mình “chiếc
áo” cát nhiễm mặn từ việc tận thu do nạo vét luồng lạch, chỉ trong các năm
2013-2016 đã có khoảng 43 triệu khối cát xuất sang Singapore. Nhu cầu cát xây dựng
trong nước cũng tăng nhanh, làm nóng thị trường. Nếu như thống kê nhu cầu sử dụng
cát trong nước năm 2015 chỉ vào khoảng 92 triệu m3, thì ước đến năm 2020 sẽ
tăng lên 130 triệu m3.
Với tốc độ khai thác và “xuất khẩu
tài nguyên” như vừa qua, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng
15 năm sau nguồn tài nguyên cát sẽ cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh
thái dưới nước vùng sông và bờ biển.
Mấy ngày nghỉ lễ vừa qua, chỉ
riêng TP Cần Thơ cơ quan công an đã kiểm tra, bắt giữ 30 tàu chở cát trên sông
không xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Chắc chắn đó chỉ là một vài vụ lẻ bị
phát hiện trên đường đi bằng các “tàu ngầm” nửa chìm, nửa nổi vận chuyển “cát
đen” từ các điểm khai thác, mua bán trái phép đến nơi tiêu thụ.
Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản,
chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép. Nhưng vấn đề tại sao cho
đến nay vấn nạn này chưa được ngăn chặn hiệu quả?
Rõ ràng đang có những “lỗ hổng”
quản lý lớn cần khắc phục. Theo Luật khoáng sản, việc cấp phép thuộc chính quyền
địa phương và quản lý của ngành tài nguyên - môi trường, nhưng ngành giao thông
lại có quyền cho nạo vét luồng lạch.
Các nhà quản lý cũng đã nhận diện
được “khoảng trống trách nhiệm” khi có sự chồng chéo giữa các bên quản lý khai
thác cát nên dễ bị cát tặc lợi dụng. Vấn đề đặt ra là tại sao hàng gian, thực
phẩm bẩn truy xuất được nơi sản xuất để xử lý, còn đối với cát thì không?
Câu chuyện cát tặc không chỉ đòi
hỏi phải siết chặt quản lý, các biện pháp hành chính như xử phạt nghiêm, thậm
chí xử lý hình sự mà cần các giải pháp đồng bộ. Khai thác cát hợp lý và khoa học
sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở đất bờ sông và đáp ứng
nhu cầu xây dựng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sản
xuất vật liệu thay thế cát và áp dụng tiêu chuẩn “trách nhiệm xã hội, môi trường”,
cụ thể hóa thành quy chuẩn ngành xây dựng. Quan trọng hơn, phải áp dụng tiêu
chí “truy xuất nguồn gốc cát” đối với tất cả các công trình xây dựng có sử dụng
vật liệu cát tự nhiên.
Yêu cầu này là bắt buộc trong đấu
thầu và với các nhà thầu xây dựng. Truy xuất nguồn gốc cát sẽ tạo ra công cụ
theo dõi, nhận diện và truy nguyên nguồn gốc để loại trừ, góp phần quan trọng
chống cát tặc.
Nhận xét
Đăng nhận xét