Trần Hữu Hiệp
Báo Công Thương, ngày 20/05/2017
Bộ Công Thương đang
chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá thực tiễn
7 năm thi hành Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ
về kinh doanh xuất khẩu gạo để lấy ý kiến, trình ban hành Nghị định mới. Thay
thế Nghị định 109 là cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra là chỉ “chỉnh sửa” hay phải
“làm mới” cho phù hợp yêu cầu, tình hình thực tế?
|
Một số quy định về kho chứa gạo không phù hợp cần
được bãi bỏ
|
Điều kiện xuất khẩu
gạo -“chiếc áo chật”!
Các điều kiện kinh
doanh xuất khẩu gạo cần được nhìn nhận dưới góc độ: Tại sao cần? Quá trình thực
hiện đã bộc lộ những bất cập gì cần thiết phải thay đổi? Bởi, nếu thiếu công cụ
quản lý hiệu quả thì ngành kinh doanh nhạy cảm như xuất khẩu gạo dễ trở nên bát
nháo, nhưng “bó” quá thì gây khó khăn cho doanh nghiệp, thương nhân, tác động
tiêu cực trở lại.
Không thể phủ nhận,
Nghị định 109 đã có những đóng góp tích cực, góp phần hoàn thiện khung pháp lý
cho hoạt động xuất khẩu gạo và công tác điều hành xuất khẩu có trật tự, nâng
cao năng lực thương nhân khi tham gia vào ngành kinh doanh quan trọng này của
đất nước.
Một thời gian dài
xuất khẩu gạo lộn xộn. Nghị định đã có tác dụng sàng lọc, loại bỏ các thương
nhân không có thực lực, số lượng đầu mối xuất khẩu gạo ổn định khoảng 140-150
doanh nghiệp. Qua đó, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài phục vụ xuất khẩu
gạo. Theo số liệu thống kê, đến đầu năm 2016, tổng lượng kho chứa thóc, gạo của
143 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đạt trên 5,34 triệu tấn, tổng công
suất bóc vỏ đạt 20.731 tấn thóc/giờ, năng lực xát trắng, đánh bóng đạt 25.360
tấn gạo/giờ; năng lực sấy đạt gần 10.915 tấn thóc/giờ; giải quyết cơ bản những
bất cập tồn tại nhiều năm trong việc thu mua, tiêu thụ thóc gạo, sơ chế, chế
biến kịp thời sản phẩm thóc, gạo cho người nông dân, giảm tổn thất sau thu
hoạch, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất
khẩu. Các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo ràng buộc có tác dụng thúc đẩy các
các thương nhân thực hiện trách nhiệm liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên
liệu, tiêu thụ lúa gạo.
Thế nhưng, các điều
kiện về kho bãi, vùng nguyên liệu, điều kiện hợp đồng… đã trở nên hình thức
hoặc trở thành rào cản đối với thương nhân. Có điều kiện được xác lập, các hợp
đồng được ký kết chỉ để thỏa điều kiện theo quy định; trong khi quy định về
điều kiện bộc lộ nhiều bất cập.
Thứ nhất, cách tiếp
cận để định ra các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo bị “chặt khúc” theo từng
tác nhân là thương nhân chứ chưa dựa trên nền tảng mối quan hệ của chuỗi giá
trị lúa gạo, mà xuất khẩu chỉ là đầu ra. Buộc doanh nghiệp phải gồng mình, đầu
tư từ vùng nguyên liệu, năng lực chế biến, kho chứa đến xuất khẩu, không phát
huy tính chuyên môn hóa theo thế mạnh của từng doanh nghiệp rồi liên kết lại.
Thực tế, có doanh
nghiệp mạnh về tổ chức sản xuất, chế biến. Có doanh nghiệp mạnh về năng lực
dịch vụ xuất khẩu, kinh doanh logistics. Họ có thể tập trung đầu tư theo từng
công đoạn và hợp lực theo chuỗi liên kết. Một số doanh nghiệp sản xuất, xuất
khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ, nhu cầu và khả năng đầu tư
xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo còn hạn chế nên không đáp ứng điều
kiện theo quy định như trường hợp Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), Công
ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau). Một số thương nhân chuyên kinh
doanh thương mại, mặc dù có khách hàng, thị trường; nhưng không có năng lực tài
chính, vốn hoặc đất đai và nguồn nhân lực cần thiết để đầu tư vận hành kho
chứa, cơ sở xay xát thóc gạo theo quy định; do đó không đáp ứng đủ điều kiện để
được cấp giấy chứng nhận.
Thứ hai, các quy
định về điều kiện dựa trên quy mô số lượng, chưa coi trọng giá trị và chất
lượng. Nghị định số 109 buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít
nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất 1 cơ
sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Trong khi doanh
nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ này thông qua hợp đồng mà không nhất
thiết bỏ vốn đầu tư tốn kém và không hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp có
thế mạnh chuyên ngành. Vị trí đặt các kho chứa hay cơ sở xay xát cũng bị “gò”
theo ranh giới hành chính. Trong khi doanh nghiệp hoàn toàn có thể chọn lựa vị
trí sinh lợi tốt nhất để đầu tư.
Ngoài ra, nhiều ý
kiến đề nghị xem xét bãi bỏ các quy định như: Bắt buộc thương nhân kinh doanh
xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương
đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó; về
đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo...
Rõ ràng, mặc dù có
những đóng góp quan trọng, nhưng Nghị định 109 đang là “chiếc áo chật”, cần
thay đổi.
Cần “hệ điều hành”
mới
Khi những bất cập
của chuỗi giá trị lúa gạo đã bộc lộ mang tính hệ thống, thì giải pháp phải được
hoạch định trên cơ sở tư duy hệ thống, cách tiếp cận theo chuỗi và giải quyết
tổng thể.
Cần cân đối hài hòa
giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Xây dựng cơ chế
điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý
của nhà nước là yêu cầu đặt ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa làm được. Nhà
nước tham gia chuỗi giá trị lúa gạo với vai trò của một tác nhân quan trọng,
hoạch định cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo sản
xuất lúa, điều tiết thị trường, xuất khẩu gạo gắn với chiến lược an ninh lương
thực quốc gia.
Điều kiện mới về
kinh doanh xuất khẩu gạo cần bỏ các quy định bất cập như đã nêu trên. Các điều
kiện “thô” về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo, không khống chế địa bàn
đầu tư xây dựng, mà cần tập trung các tiêu chí “mềm” như: Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia, điều kiện về an toàn thực phẩm, ưu tiên đầu tư theo hướng gạo sạch,
ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao... Thương nhân được xuất khẩu gạo không hạn
chế về số lượng. Khi xuất khẩu chỉ cần thực hiện thông báo, thủ tục xuất khẩu
thực hiện tại cơ quan hải quan để kiểm soát tối thiểu đầu ra. Cần bổ sung thêm
các quy định cần thiết về liên kết xây dựng vùng nguyên liệu được tiếp cận theo
chuỗi giá trị chứ không phải bằng các thủ tục hành chính, bảo đảm chất lượng
gạo xuất khẩu, công tác phát triển thị trường xuất khẩu, việc ký kết các thỏa
thuận về thương mại gạo với các nước.
Đã đến lúc cần hành động cho
việc nhận thức lại về ngôi vị “cường quốc xuất khẩu gạo”. Xuất gạo thô vốn có
giá trị gia tăng rất thấp, trong khi nhiều quốc gia kém lợi thế hơn đang chọn
con đường “sáng tạo” hơn là phát triển các ngành công nghiệp sau gạo. Cách
thức lập trình “hệ điều hành mới” chắc chắn quan trọng hơn nhiều những điều
kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được siết chặt hay nới lỏng hơn đối với thương
nhân thời gian tới.
|
Trần Hữu Hiệp
Nhận xét
Đăng nhận xét