Trung Chánh
TBKTSG Online) – Trao đổi tại hội thảo nằm trong khuôn khổ “Tuần
lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017” được tổ chức tại Cần Thơ hôm 24-8, PGS-TS
Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch hội đồng khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội năng
lượng Việt Nam (VEA) nói rằng, số lượng 14 nhà máy nhiệt điện đã và sẽ được đầu
tư ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là quá nhiều.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh |
Theo ông Duệ, các nhà máy nhiệt
điện ở ĐBSCL có công suất rất lớn, cái nhỏ nhất là 600 MW và lớn nhất là 2.000
MW, tức gần bằng công suất nhà máy thủy điện Sông Đà (2.400 MW). “Tính tổng
cộng lại thì thấy 14 nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL có công suất gần 20.000 MW.
Theo ý kiến cá nhân tôi, đây là một kịch bản rất không bền vững”, ông nói.
Giải thích cho nhận định này ông
Duệ nói nguồn than trong nước đang ngày càng cạn kiệt và các nhà máy nhiệt điện
sẽ phải phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu, trong khi hiện nay các hợp đồng về
nhập khẩu than chưa có bên cạnh những hạn chế trong vấn đề hạ tầng cảng tiếp
nhận than.
“Trước kia than có giá 40 đô la
Mỹ/tấn, dần dần lên 60 đô la Mỹ và giá than sẽ còn tiếp tục tăng”, ông Duệ nhận
định. Theo ông giá than tăng sẽ khiến chi phí sản xuất điện của các nhà máy
nhiệt điện tăng theo và giá điện cũng sẽ được đẩy lên cao.
Ông Duệ chỉ ra một thách thức khác
cũng rất lớn. Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện gây ra.
Từ những vấn đề trên, ông Duệ nêu
câu hỏi: “Với tình hình phát triển nhiệt điện nhiều như vậy, ĐBSCL nên chăng
kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh Sơ đồ Quy hoạch phát triển điện 7 trong phát
triển điện đối với ĐBSCL?”
Liên quan vấn đề này, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách của
Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, Thủ tướng là người phê duyệt Quy hoạch điện 7
và Quy hoạch điện 7 điều chỉnh nên chỉ có Thủ tướng mới giải đáp được vấn đề
nêu ra ở trên.
Tuy nhiên, từ góc độ nghiên cứu khoa học, ông Hiệp cho rằng, đã có
Quy hoạch điện 7 và sau đó là Quy hoạch điện 7 điều chỉnh thì rõ ràng có thể
điều chỉnh được. Ông lấy ví dụ, với định hướng phát triển Bạc Liêu thành một
trung tâm tôm sạch, thì rõ ràng dự án nhiệt điện Cái Cùng đã được đưa ra khỏi
danh mục đầu tư nhiệt điện.
Ông Hiệp nói rằng, nếu khu vực ĐBSCL nỗ lực, có cơ sở phát triển
được năng lượng tái tạo, thì không có lý do gì không giảm bớt nhiệt điện.
Trước đó, tại hội thảo này, ông
Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm năng lượng thuộc Viện năng lượng của Bộ
Công Thương khẳng định, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển năng
lượng tái tạo.
Dẫn chứng cho điều này, theo ông
Tuấn, về mặt lý thuyết, Việt Nam có thể phát triển đến 9,1 triệu MW năng lượng
tái tạo, cao hơn rất nhiều so với tổng công suất của toàn bộ hệ thống điện Việt
Nam tính đến năm 2016 là hơn 41.000 MW. Trong đó, điện sinh khối (được sản xuất
từ rơm, rạ, trấu…) có thể phát triển đến trên 15.000 MW; khí sinh học trên
177.200 MW; rác thải là hơn 9.000 MW; năng lượng gió là gần 2,1 triệu MW và
năng lượng mặt trời là gần 6,8 triệu MW.
Tiềm năng tuy rất lớn, nhưng trên
thực tế, hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn còn rất hạn
chế. Cụ thể, theo ông Tuấn, tính đến cuối năm 2016, chỉ có 159 MW điện gió được
nối lưới điện và điện mặt trời chỉ mới đầu tư được 6 MW, trong đó, chỉ có 0,18
MW được đấu nối vào lưới điện; năng lượng điện khí sinh học chỉ trên 2,5 MW.
Như vậy, để phát triển năng lượng
tái tạo trong bối cảnh muốn giảm nhiệt điện ở ĐBSCL, như đề xuất của ông Duệ,
cần phải nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề vốn, đầu tư, công nghệ, thị
trường mua bán điện, cho phát triển năng lượng tái tạo. “Nhất thiết, chúng ta
phải suy nghĩ để đưa ra giải pháp trong vấn đề phát triển năng lượng tái tạo ở
ĐBSCL để thay thế nhiệt điện”, ông nhấn mạnh.
Mời xem thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét