Tránh rập khuôn chủ trương cấp quốc gia lên tất cả các tỉnh, vùng: Cần phân tích ảnh hưởng liên vùng
Bùi Trinh
TBKTSG, Thứ Ba, 22/8/2017, 09:04 (GMT+7)
(TBKTSG) - Một trong những loại cơ cấu ở Việt Nam được sử
dụng rộng rãi nhất là tỷ trọng của giá trị tăng thêm của các ngành chiếm trong
GDP, và cơ cấu của nhóm ngành nông nghiệp cứ phải giảm dần trong khi nhóm ngành
công nghiệp và dịch vụ cứ phải tăng thì mới là hay, là tốt.
Các địa phương thi nhau làm theo “khẩu hiệu” này và các khu
chế xuất, khu công nghiệp, sân golf mọc lên như nấm sau mưa mà không cần quan
tâm đến hiệu quả kinh tế của nó, cứ miễn sao trong báo cáo cuối năm cơ cấu kinh
tế thay đổi theo hướng như trên là được. Với định hướng như vậy, việc mất đất
nông nghiệp là đương nhiên, và tỷ trọng các nhóm ngành nông nghiệp trong GDP
giảm cũng là việc hiển nhiên.
Số liệu cho thấy, tính đến hết tháng 6-2017, cả nước có 325
khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94.900 héc ta,
trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64.000 héc ta, chiếm
khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp. Tính toán từ
bảng cân đối liên ngành của Việt Nam năm 2007 và 2012 cho thấy cấu trúc kinh tế
tổng quát của giai đoạn 2007-2012 và giai đoạn 2012-2017 không thay đổi nhưng
mức độ kém hiệu quả tăng lên, nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo trong
cả hai giai đoạn đều là nguyên nhân của bất ổn kinh tế và môi trường. Tỷ lệ giá
trị gia tăng so với giá trị sản xuất của nhóm ngành này giảm gần 10 điểm phần
trăm trong vòng 10 năm; cầu cuối cùng của nhóm ngành này lan tỏa thấp nhất đến
giá trị gia tăng, nhưng lại sử dụng nhiều năng lượng nhất, thải ra môi trường
khí nhà kính (GHG) nhiều nhất và kích thích nhập khẩu nhiều nhất; xuất khẩu của
nhóm ngành này dường như là xuất khẩu hộ nước khác, theo phân ngành chuẩn của
Liên hiệp quốc thì công nghiệp chế biến của Việt Nam là rất ít mà cơ bản là
dịch vụ công nghiệp (cơ bản gia công).
Việc
khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên như nấm có thể góp phần làm cấu trúc về
vùng và ngành lệch lạc. Bảng dưới đây cho thấy các yếu tố của cầu cuối cùng như
tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất khẩu đều lan tỏa đến thặng dư kém hơn hẳn
giai đoạn trước
Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lập các đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt nâng cấp từ các khu công nghiệp, khu chế xuất theo
kiểu “lẩu thập cẩm” giữa mô hình đặc khu hành chính, kinh tế Trung Quốc và Hàn
Quốc mà không có một nghiên cứu cơ bản. Khi xét đến cấu trúc kinh tế vùng, cần
dựa trên các nguyên tắc khoa học về vùng. Một trong những phương pháp được
nhiều nước tiên tiến sử dụng đó là phân tích ảnh hưởng liên vùng, để xem xét
vùng nào có lợi thế về cái gì; ngành kinh tế nào có độ lan tỏa đến bản thân
vùng đó và các vùng khác của đất nước ra sao; mức độ ảnh hưởng của vùng đó đến
nền kinh tế chung thế nào; ảnh hưởng về môi trường đến nội vùng và ngoài vùng
tới đâu... Điều này hoàn toàn khác với ý niệm một chủ trương ở cấp quốc gia
được mang rập khuôn cho các tỉnh hoặc vùng như hiện nay.
Khi đưa ra những chính sách ưu tiên đặc biệt cho vùng nào đó,
cần biết những ảnh hưởng của vùng đó đến nền kinh tế chung có tương xứng với
những ưu tiên mà vùng đó được hưởng hay không!
Nhận xét
Đăng nhận xét