Giáo dục đại học, cao đẳng ở đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và vài khuyến nghị từ góc nhìn thực tiễn
Trần Hữu Hiệp TCCS, ngày 07/12/2017 TCCSĐT - Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, công tác giáo dục - đào tạo bậc đại học, cao đẳng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực về qui mô trường lớp, số lượng người học, chất lượng lao động qua đào tạo,… Tuy nhiên, từ góc nhìn thực tiễn, lĩnh vực này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, lộ diện những “mảng tối” cần được định hướng lại và can thiệp bằng những chính sách, giải pháp phù hợp trong tình hình mới. Những “điểm sáng” Thời gian qua, giáo dục đại học, cao đẳng cùng với trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long. Toàn vùng hiện có 17 trường đại học (trong có 6 trường đại học ngoài công lập), 26 trường cao đẳng, 62 cơ sở đào tạo trung cấp ...