tiến Trình, Hạnh Nguyễn
Báo Tuổi Trẻ, 17/01/2018 21:16
GMT+7
"Muốn phát triển nguồn nhân
lực cho nông nghiệp ĐBSCL, điều đầu tiên phải thay đổi là từ lối nghĩ của nông
dân" - các nhà khoa học, nhà quản lý có cùng quan điểm trên khi phát biểu
tại tọa đàm Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL do báo Tuổi Trẻ tổ chức với
sự đồng hành của Công ty CP Tôn Đông Á diễn ra ngày 16-1 tại TP Cần Thơ.
Đừng bỏ rơi nông dân
Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp nhắc nhớ
câu chuyện cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chủ trì một hội nghị liên quan đến vấn
đề phát triển ĐBSCL và đặt ra các vấn đề bức thiết nơi đây là giao thông, hạ tầng
và nguồn nhân lực. Đến nay, sau 14 năm các vấn đề này vẫn là điểm yếu của vùng.
Không hẹn mà gặp, các chuyên gia,
nhà quản lý đều có chung quan điểm thay đổi của ĐBSCL phải bắt đầu thay đổi từ
người dân, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Ông
Lê Bá Phước - chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ - chỉ ra rằng "nông dân gặp
khó về khoa học kỹ thuật còn phải lao đao với bài toán thị trường".
Giáo sư Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng
ĐH Nam Cần Thơ) cho rằng cái nhược lớn nhất khi phát triển nguồn nhân lực cho
nông nghiệp ĐBSCL là "người lớn không chịu học".
GS Xuân kể chuyện khi ông còn làm
hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, hầu như năm nào cũng có chương trình phổ cập kiến
thức cho nông dân. Tuy nhiên, tại các buổi học đó học viên chủ yếu là... các
cán bộ nông nghiệp. Họ đi học để về phổ biến lại cho nông dân vì đối tượng
chính này không muốn học.
Cán bộ kể khi vận động nông dân dự
các lớp phổ cập kiến thức nông nghiệp thì bị hỏi ngược rằng: "Học làm gì?
Mấy ông học có làm ra lúa không? Tui không học nhưng cũng làm ra lúa đầy đồng
nè".
Ở chiều vĩ mô, GS Võ Tòng Xuân
nói nền giáo dục của Việt Nam cũng phải thay đổi để người học đừng có tâm lý
"cố học để thi" thay vì học để làm việc tốt.
Ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy
Đồng Tháp - kể chuyện khi sang Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp nước
bạn, ông được nghe câu nói nổi tiếng từ cố lãnh đạo Park Chung Hee của nước
này: "Mọi sự tiếp sức của chính phủ sẽ trở nên vô nghĩa nếu người nông dân
không thay đổi tư duy sản xuất".
Ông Hoan cho rằng "điểm nghẽn"
lớn nhất đối với nguồn nhân lực cho ĐBSCL là vấn đề tâm lý xã hội khi nông dân
vẫn có thói quen làm nhỏ, lẻ, manh mún. Và để nông dân thay đổi cách nghĩ thì
trước hết phải thay đổi cách tiếp cận tri thức đối với họ, "làm sao đừng để
người nông dân bị bỏ rơi".
Một minh chứng sinh động là Đồng
Tháp đã tổ chức thành công mô hình "hội quán nông dân", được Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và đánh giá cao hồi cuối năm 2017. Đây là nơi để nông
dân tự sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm làm nông, chia sẻ về những thách thức biến
đổi khí hậu với nhau. Đây cũng là nơi giúp người nông dân tiếp cận tri thức mới,
thiết bị, thông tin công nghệ hiện đại.
Nông dân "nhạy bén sẽ thu triệu đô"?
PGS.TS Lê Việt Dũng - phó hiệu
trưởng Trường ĐH Cần Thơ - dẫn câu nói vui "cửa miệng" của nông dân
miền Tây gần đây: "Phen này làm không được thì tui đi Bình Dương đó",
hàm chỉ sự dịch chuyển lao động đang rất lớn và thực trạng nông dân ở các tỉnh
ĐBSCL phải bỏ xứ đi tìm việc làm ở nơi khác.
Dẫn chứng về lần cùng đoàn cán bộ
nông nghiệp của Hậu Giang sang Nhật Bản gặp gỡ một nông dân địa phương chỉ có
1,8ha đất nhưng thu nhập cả triệu đôla nhờ trồng các loại cây, trái trang trí
cho thức ăn ở nhà hàng, ông Dũng cho rằng "nông dân thường có cách làm rập
khuôn, không chủ động làm ra cái mà thị trường đang đòi hỏi để thu về lợi nhuận
cao trên chính đồng đất của mình. Nếu họ nhạy bén, chủ động làm ra cái thị trường
cần thì thu nhập từ nông nghiệp là không hề nhỏ".
Ở một hướng khác, PGS.TS Đỗ Văn
Xê cho rằng trong đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, doanh nghiệp cũng cần phải
có vai trò. Bởi để nhân lực phát huy được thì không chỉ có nơi đào tạo mà còn
phụ thuộc vào nơi sử dụng lao động. "Học gì xài đó. Nếu người học ra trường
không có việc làm thì họ sẽ dẫn đến mai một" - ông Xê nói.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - phó viện trưởng
Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc ĐH Cần Thơ - đánh giá người dân ĐBSCL có
khả năng thích nghi rất tốt, dám nghĩ dám làm, kinh nghiệm bản địa cũng nhiều.
Đội ngũ lao động đã được đào tạo nếu phát huy khả năng thích ứng cao sẽ trở
thành nguồn nhân lực chất lượng tại chỗ.
Chăm chú lắng nghe các ý kiến,
ông Phạm Quốc Thắng - phó tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á - bày tỏ niềm tin
rằng với sự góp ý kiến tâm huyết từ các nhà khoa học, nhà quản lý... sẽ giúp nông
dân thay đổi lối nghĩ, tiếp cận kỹ năng, tri thức, thị trường để làm ăn thành
công.
Đồng tình với ông Thắng trong việc
ghi nhận những ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, ông Đỗ Văn Dũng - phó
tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng đó đều là "những đề tài báo chí rất
chất lượng".
Ông Đỗ Văn Dũng cho biết:
"Báo Tuổi Trẻ sẽ chuyển tải những đề tài đó một cách tốt nhất trên chuyên
trang Mekong xanh và các ấn phẩm khác của Tuổi Trẻ để góp phần giúp những vấn đề,
câu chuyện đặt ra được lan tỏa rộng rãi, giúp các nhà khoa học, nhà quản lý có
cách tiếp cận các vấn đề của ĐBSCL hiệu quả, bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống của
người dân nơi đây, có thể chung tay thúc đẩy sự phát triển của khu vực
này"
Góp sức cho ĐBSCL
Ông Phạm Quốc Thắng - phó tổng
giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á, đơn vị đồng hành với báo Tuổi Trẻ trong việc thực
hiện chuyên trang Mekong xanh (mekongxanh.tuoitre.vn) và chương trình Cùng xây
cuộc sống xanh - cho biết: "Nhiều năm qua công ty đã gắn bó với vùng ĐBSCL
và quan tâm đến các vấn đề về môi trường. Nay chúng tôi đồng hành với báo Tuổi
Trẻ trong các chương trình với mục đích kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong và
ngoài nước, các nhà khoa học, trí thức giúp cho vùng này phát triển đầy đủ nhất
và đúng với tiềm năng".
Nhận xét
Đăng nhận xét