Trần Hữu Hiệp
TTO - Mô hình phát triển
ĐBSCL lấy con người làm trung tâm, chú trọng chất lượng hơn số lượng, chuyển từ
chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi
khí hậu diễn ra nhanh.
TS. Trần Hữu Hiệp - Ảnh: Chí Quốc
Nghị quyết 120/NQ-CP của
Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định tầm
nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh
vượng, chủ động thích ứng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát
triển vùng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bảo đảm cuộc
sống khá giả của người dân ĐBSCL.
Mô hình phát triển ĐBSCL
lấy con người làm trung tâm, chú trọng chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều
rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí
hậu diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan. Mô hình đó đòi hỏi bước chuyển căn bản về
chất nguồn nhân lực ĐBSCL, trở thành là động lực cơ bản và xuyên suốt trong
phát triển vùng.
Không thể phủ nhận những
chuyển biến tích cực trong giáo dục-đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL góp phần
nâng cao dân trí, chất lượng nhân lực. Các chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng trường học, dạy nghề, giải quyết việc làm, đào tạo nghề lao động nông
thôn, tín dụng chính sách … đã được triển khai có hiệu quả.
Song, sau hơn 10 năm
chọn "phát triển nguồn nhân lực" là một trong 3 khâu đột phá, chất
lượng nguồn nhân lực ĐBSCL vẫn tụt hậu so với các vùng miền cả nước.
Tây Nam Bộ đang xếp cuối
bảng từ các chỉ số giáo dục đại học, cao đẳng, lao động qua đào tạo đang làm
việc trong nền kinh tế đến giáo dục mầm non, mẫu giáo và phổ thông. Trong khi
đó, tỷ lệ học sinh bỏ học ở 3 cấp của vùng này cao nhất, gần gấp 3 lần cả
nước.
Kinh tế khó khăn, chi
phí học hành lớn, sinh kế là những nguyên nhân chính dẫn đến phần lớn các em
học sinh phổ thông bỏ học, tạo ra cái nền chông chênh cho các bậc giáo dục, đào
tạo tiếp theo.
Trong khi hàng loạt sinh
viên ra trường không tìm được việc làm đang tác động tiêu cực đến tâm lý nhiều
hộ gia đình gồng gánh đầu tư cho giáo dục.
Thực tế đó đang đòi hỏi
một chiến lược đào tạo nhân lực, các giải pháp tổng thể và mạnh mẽ hơn để phát
triển nguồn nhân lực chất lượng, tạo ra động lực phát triển vùng. Cùng với
Chiến lược nhân lực quốc gia và các tỉnh, rất cần một Chiến lược nhân lực cho
vùng ĐBSCL. Qui hoạch phát triển hệ thống các trường ĐH, cao đẳng, trường nghề,
trường phổ thông và các hoạt động giáo dục, đào tạo, day nghề… phải dựa trên
chiến lược này.
Cần "hướng
cầu" là thị trường lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, cơ
quan, đơn vị trong vùng làm động lực phát triển hơn là chủ yếu dựa trên năng
lực chuyên môn, cơ sở vật chất của các trường. Phải thật sự gắn kết được lợi
ích, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động trong đào
tạo nhân lực của vùng, kèm theo là các chính sách khuyến khich thích hợp. Cần
phải quan tâm lồng ghép, kết nối, tập hợp để tạo ra chuyển biến tốt hơn từ
nhiều chương trình, tạo ra cuộc vận động lớn, thiết thực và hiệu quả hơn.
Hệ thống GDĐT từ mầm
non, phổ thông, cao đẳng, ĐH đến các trường nghề, hệ thống giáo dục xã hội
trong vùng cần được quan tâm đầu tư để đủ sức tạo ra "sản phẩm nhân
lực" tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội, chứ không phải trông chờ vào
chính sách ưu tiên chỉ tiêu đào tạo, chỉ tạo ra "lợi thế ảo".
Hoạt động liên kết vùng
ĐBSCL trong phát triển nguồn nhân lực cần được tiếp tục tăng cường về chất, nội
dung, phương thức phù hợp hơn nữa.
Để phát triển đồng bằng,
rất cần những nguồn lực mới, những mô hình phát triển mới với hiệu quả cao hơn,
năng suất lao động cao hơn. Động lực mới cho các mô hình mới này cần phải được
bắt đầu chính từ nội lực của vùng, từ nguồn nhân lực bậc cao, từ khoa học và
công nghệ và từ doanh nghiệp.
Cuộc đua thoát khỏi vùng
trũng về chất lượng nhân lực của miền Tây Nam Bộ không chỉ hướng đến một chất
lượng, nguồn cung nhân lực có uy tín cho xã hội và doanh nghiệp, mà rất cần
biến nó thực sự trở thành một động lực phát triển vùng.
Nhận xét
Đăng nhận xét