|
Trần Hữu Hiệp
Một lần nữa, vấn đề liên
kết vùng để phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của các địa phương lại được
đặt ra như mệnh lệnh của phát triển. Hội đồng điều phối vùng, được thành lập
theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long
(ÐBSCL) ứng phó với biến đổi khí hậu (BÐKH), sẽ phải vận hành ra sao để tháo gỡ
được những bất cập bấy lâu?
Cầu Vàm Cống - cây cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ nối đôi bờ sông Hậu
Kích
hoạt "phòng thí nghiệm chính sách"
Mục tiêu đặt ra cho liên
kết vùng hết sức rõ ràng, mang lại triển vọng phát triển chung cho cả khu vực
ÐBSCL và nâng cao năng lực thích ứng với những vấn đề lớn như BÐKH, nước biển
dâng trên quy mô rộng lớn. Tuy nhiên, khi đưa vào thực tế lại vấp phải những
mối "xung đột lợi ích" do các ngành, các tỉnh "chỉ lo cho
mình".
Câu chuyện tỉnh Tiền
Giang làm Công viên trái cây hoành tráng lấn sông Tiền, rồi việc xả thải của
Nhà máy Giấy Lee & Man ở Hậu Giang cũng như chuỗi các nhà máy nhiệt điện
than dọc sông Hậu gây lo ngại và phản ứng... đều là minh chứng về "xung
đột lợi ích" giữa các địa phương. Thật khó khi còn có lãnh đạo địa phương
"tư duy nhiệm kỳ", doanh nghiệp tư duy theo thương vụ, nông dân lại
theo mùa vụ.
Làm gì để tháo gỡ những
nút thắt trên? Việc liên kết các tiểu vùng sinh thái tự nhiên, xã hội như Ðồng
Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau... là cần thiết cho việc liên kết
vùng ÐBSCL. Nhưng cần khẳng định, đây không phải là phép cộng của các đơn vị
hành chính tỉnh với nhau.
Liên kết vùng là vấn đề
lớn, khó, được thực hiện trên hiện trạng tổ chức bộ máy quản lý điều hành, các
nguồn lực phân tán, cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật "thiếu phối
hợp, thừa chồng chéo". Việc phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án
đầu tư liên kết vùng mang tính tích hợp, vượt ra ngoài không gian hành chính
tỉnh và nội bộ một ngành, cho đến giờ vẫn luôn bị vướng mắc bởi nhiều quy định
của Luật Ngân sách, Luật Ðầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Do đó, yêu cầu quan
trọng cần phải tiến hành là sớm hoàn thiện cơ chế điều phối vùng. Việc thành
lập Hội đồng điều phối phát triển vùng được ví như "phòng thí nghiệm chính
sách" cho sự chuyển đổi mô hình phát triển mới. Nghị quyết số 120 giao Bộ
Kế hoạch và Ðầu tư trách nhiệm xây dựng quy hoạch tổng thể vùng, rà soát, đánh
giá cơ chế thí điểm điều phối vùng, trong đó có việc thành lập Hội đồng điều
phối vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ nâng cao giá trị
và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thủy sản của vùng… Ðó là những nội
dung cần thiết và yêu cầu quan trọng để bảo đảm thực thi thí điểm. Song cần đặt
trong bối cảnh cải cách tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị
Trung ương lần thứ 6 khóa XII.
Theo đó, cần thành lập Hội
đồng điều phối vùng có thực quyền, chỉ tập trung hai lĩnh vực then chốt: điều
phối việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư lớn,
có tính liên kết vùng (theo quy mô, tính chất dự án). Giúp việc cho Hội đồng
chỉ cần có một bộ phận hoặc văn phòng gọn, nhẹ, cán bộ chuyên môn tinh thông.
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế điều phối và vận hành Trung tâm thông tin
dữ liệu vùng ÐBSCL để bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho việc
ra quyết định của Hội đồng điều phối vùng.
Hoạt động bên cạnh Hội
đồng là nhóm tư vấn phát triển nghiên cứu, tư vấn, phản biện về chính sách và
các vấn đề phát triển vùng ÐBSCL. Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối
thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ
trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các
công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các
công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Xác định vai trò
"phòng thí nghiệm chính sách" của Hội đồng điều phối vùng đồng nghĩa
với việc chấp nhận khó tránh khỏi những khiếm khuyết trong vận hành, để tìm ra
mô hình, chính sách hợp lý nhất, đáp ứng được yêu cầu liên kết vùng, phát triển
vùng vốn được đặt ra từ lâu nhưng chưa thành công.
Tạo sự gắn kết cho chuỗi
giá trị
Trong suốt thời gian
dài, liên kết vùng ở ÐBSCL có phần còn nặng về liên kết "chính
quyền", nhẹ liên kết "thị trường". Ðể tạo được sự thay đổi về
chất trong mối liên kết vùng, sẽ cần phải hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm
chủ lực theo các tiểu vùng và toàn vùng. Thí dụ, với lợi thế của mình, ÐBSCL
cần tập trung vào các chuỗi giá trị sản phẩm: lúa gạo, thủy sản, trái cây và du
lịch. Phải giải được bài toán làm ra sản phẩm; rồi tổ chức thị trường các kênh
phân phối ra sao…? Cũng cần chuyên môn hóa, mỗi tác nhân trong liên kết đảm nhận
nhịp nhàng công việc của mình trong chuỗi sản phẩm. Có như vậy mới tạo ra được
nhiều giá trị để tạo nền tảng cho phát triển bền vững của các tiểu vùng và kinh
tế vùng.
Các chuỗi giá trị, hay
việc hình thành các Cluster - Cụm kinh tế ngành có năng lực cạnh tranh ưu việt
khác với mô hình các khu, cụm công nghiệp. Chúng không nhất thiết "quần
cư" trong một không gian địa lý, mà là liên kết theo chuyên môn, gắn bó và
chia sẻ lợi ích theo công nghệ, thị trường và sự phân công hợp lý. Những người
nông dân, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng... gắn với nhau không chỉ là
chuyện phân công làm nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu mà gắn với nhau trong một
chuỗi giá trị. Các viện nghiên cứu, trường đại học cũng tham gia với tư cách là
người trong "cụm ngành" chứ không phải người hỗ trợ. Không chỉ đáp
ứng xu hướng chung, liên kết theo chuỗi giá trị vừa mang lại lợi ích tối đa vừa
giải quyết vấn đề xung đột lợi ích của các địa phương.
Trong nền kinh tế thị
trường, phân công lao động là đương nhiên, nhưng phải liên kết theo chuỗi giá
trị, với sự đóng góp của nông dân, người chế biến, xuất khẩu... Người nông dân
vốn chịu nhiều thiệt thòi, chỉ được nhận phần nhỏ nhất, dù trực tiếp làm ra sản
phẩm. Ðể phân chia lại lợi nhuận một cách công bằng, điều quan trọng không phải
là lấy của người này cho người kia mà làm cho giá trị tổng thể lớn hơn. Và lời
giải cho bài toán đó chính là sự liên kết theo chuỗi giá trị.
Muốn tạo được mối liên
kết vùng chắc chắn ở ÐBSCL, cần phải song hành mở nút thắt, đi đôi với thông
kết nối!
Nhận xét
Đăng nhận xét