Trần Hữu Hiệp
Ngành thủy sản Việt Nam đang tập trung
mọi nỗ lực cho mục tiêu “thoát thẻ vàng EU”. Tuy nhiên, nếu nhìn trong tổng thể
bức tranh phát triển, “sự cố” này có ý nghĩa như một lời cảnh báo - đã đến lúc
thủy sản Việt Nam cần thay đổi tư duy, tạo dựng chiến lược phát triển bền vững
trước những thách thức hội nhập, cạnh tranh và đòi hỏi ngày càng cao của thị
trường tiêu dùng nội địa.
Từ nghị trường, ngư trường đến thị
trường
Ngay sau sự kiện EU áp "thẻ
vàng" đối với ngành khai thác thủy sản Việt Nam, cùng lúc Quốc hội cũng đã
thông qua Luật Thủy sản năm 2017 với những quy định chặt chẽ về truy xuất nguồn
gốc thủy sản, trách nhiệm của các bên liên quan nhằm bảo đảm theo dõi, nhận
diện một đơn vị sản phẩm thủy sản, không chỉ quản lý đánh bắt, mà qua từng công
đoạn của quá trình khai thác, nuôi trồng, chế biến và thương mại... Ðặc biệt,
luật cũng dành hẳn các chương, mục quy định mới về khai thác thủy sản bất hợp
pháp, khai thác thủy sản nội địa, trong và ngoài vùng biển Việt Nam và việc
chứng nhận, xác nhận thủy sản có nguồn từ khai thác để bảo đảm uy tín, thương
hiệu thủy sản Việt trên thị trường xuất khẩu thế giới. Nhiều chuyên gia nhìn nhận,
Luật Thủy sản 2017 được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých cho việc thoát khỏi
"thẻ vàng" của EU. Theo đó, nội dung của IUU (đánh bắt bất hợp pháp,
không báo cáo, không theo quy định) đã được lồng vào Luật Thủy sản.
Cùng với việc Quốc hội ấn nút thông
qua Luật là những hành động quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, Tổng cục
Thủy sản và Hiệp hội nghề cá, VASEP đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc tăng cường
hỗ trợ đầu tư, chuyển đổi phương thức đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng còn là nhằm
tạo dựng môi trường minh bạch, chủ động hội nhập sân chơi lớn và tuân thủ luật
chơi chung toàn cầu. Mới đây, Ðại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn EU tại
Việt Nam đã có ghi nhận rất tích cực: "Chúng tôi đánh giá Chính phủ Việt
Nam đã rất nghiêm túc, đặc biệt đã có chỉ đạo từ Thủ tướng về những hành động
khẩn cấp trong việc xử lý vấn đề thẻ vàng IUU".
Cũng phải khẳng định rằng, ngành thủy
sản đã nhanh chóng hành động thích ứng với "sân chơi" và "luật
chơi" hội nhập ngày càng khắt khe hơn. Trên thực tế đã có sự chuyển động,
tạo kỳ vọng chuyển đổi từ phương thức, cách thức khai thác, chế biến, xuất khẩu
và các hoạt động thương mại liên quan đến thủy sản đánh bắt, mà ngay như một
quan chức EU là Ðại sứ Bruno Angelet cũng đã thừa nhận: "Việc ký kết hiệp
định tự do thương mại giữa hai bên không phụ thuộc vào việc "thẻ
vàng" về đánh bắt cá trái phép của Việt Nam có được gỡ hay không".
Cú huých và độ bền
Cùng với kết quả xuất khẩu rau quả đạt
kỷ lục, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2017 đã có bước tăng trưởng ngoạn
mục, bất chấp "thẻ vàng" cảnh cáo được rút ra ở một thị trường quan
trọng của ngành này là khu vực EU.
Tuy nhiên, bước sang năm 2018, ngành
đánh bắt thủy sản được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn do các yếu tố như thời
tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, ngư trường bất lợi. Bên cạnh đó, những yếu kém
nội tại của ngành như thiếu liên kết chuỗi giá trị từ khâu khai thác, chế biến,
hậu cần nghề cá, thương mại xuất khẩu... đang là những thách thức to lớn. Trong
khi chúng ta phải đối mặt với các vấn đề pháp lý, chính sách bảo hộ thương mại
và tác động từ thị trường mà các quốc gia luôn sử dụng như một yêu sách.Việc
duy trì đà tăng trưởng hiện có, vì vậy, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của tất
cả các thành tố liên quan.
Theo một số chuyên gia cho rằng, chúng
ta cần phải nhận thức đúng thời cơ và thách thức. Bởi yêu cầu phát triển với
"trách nhiệm xã hội, môi trường" của nghề đánh bắt hải sản và ngành
thương mại thủy sản, không chỉ tác động đến các DN, ngư dân mà tới toàn hệ
thống nghề cá. Không chỉ là nhiệm vụ thoát "thẻ vàng" của EU mà ngành
thủy sản phải hướng tới lộ trình dài hơi hơn, với mục tiêu xây dựng thương
hiệu, phát triển bền vững. Bởi không chỉ EU, thị trường nội cũng có quyền đòi
hỏi. Với hơn 90 triệu dân, thị trường nội cũng là mảnh đất có tiềm năng rất
lớn. Và người tiêu dùng Việt hoàn toàn có quyền yêu cầu thông tin minh bạch đối
với các sản phẩm mình bỏ tiền ra mua, chứ không riêng gì công dân EU. Nhưng
muốn quy trách nhiệm đối với nhà cung cấp thương mại, đòi hỏi phải có hệ thống
pháp luật chặt chẽ, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng và bộ máy thực thi hiệu quả. Ðòi
hỏi đó, thực tế, đang là một thách thức đối với năng lực và trình độ làm luật cũng
như năng lực quản lý của cơ quan chức năng hiện nay.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đã có Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp
bách để khắc phục cảnh báo của EU theo quy định IUU. Tuy nhiên, thành công của
các giải pháp này phụ thuộc vào các thành tố chính của chuỗi giá trị thủy sản,
đó là các DN, hợp tác xã, các nghiệp đoàn và ngư dân. Từng tác nhân riêng lẻ
không thể nào đáp ứng các yêu cầu của IUU và các tiêu chuẩn chất lượng thủy sản
hiện hành, mà cần phải tăng cường liên kết chặt chẽ. Mặt khác, cần tổ chức lại
bộ máy quản lý các cảng cá bảo đảm đủ năng lực kiểm soát tàu cá ra vào cảng,
thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản và xác nhận nguồn gốc nguyên
liệu thủy sản khai thác; xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát hoạt động tàu cá
(VMS), vừa hỗ trợ các tác nhân theo chuỗi, chia sẻ cơ sở dữ liệu và tăng cường
quản lý nghề cá từ ngư trường đến thị trường.
Rõ ràng, ngành thủy sản đang đứng
trước yêu cầu tái cơ cấu mạnh mẽ các thành tố, cũng như thiết lập lại mối liên
kết thật sự trong chuỗi giá trị thủy sản. Cần tạo môi trường thuận lợi để thiết
lập và tăng cường các mối liên kết giữa DN với DN, HTX, giữa DN, HTX với người
dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa
sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn. Quá trình tái cơ cấu phải
chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm tính hài
hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị và thông tin
minh bạch để bảo đảm truy xuất nguồn gốc...
Ngành thủy sản Việt Nam chắc chắn còn
phải làm nhiều việc hơn nữa để giữ vững và phát triển thị trường "khó
tính" châu Âu. Tái cơ cấu, liên kết hợp tác và hội nhập của ngành thủy sản
vừa là yêu cầu, vừa là động lực cho giai đoạn mới đang mở ra. Tạo dựng
"thẻ điểm" thương hiệu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho
ngành thủy sản Việt Nam, không chỉ cho xuất khẩu mà cho cả tiêu dùng nội địa.
Ðó mới chính là lộ trình quan trọng, cần có để phát triển.
Năm 2017 khép lại với con số kỷ lục của xuất khẩu thủy sản Việt Nam: đạt hơn 8,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2016 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng thủy sản khai thác năm 2017 đạt 3.390 nghìn tấn, chiếm khoảng 47%, trong đó, nguồn cung thủy sản từ hoạt động khai thác biển đạt 3.192 nghìn tấn, chiếm hơn 94% sản lượng thủy sản khai thác.
Nhận xét
Đăng nhận xét