Ts. Trần Hữu Hiệp
(ĐTTCO)-Kinh nghiệm dân gian
“tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”, nhưng nay đã sang tháng 9, mực nước sông Tiền,
sông Hậu và hệ thống sông rạch ĐBSCL vẫn đang ở mức thấp báo động.
Đồng bằng khát nước
ĐBSCL là cửa ngõ ra
biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối quan hệ sông Mê Kông và biển Đông,
biển Tây. Do thiếu nước đầu nguồn, lũ không về, sông cạn, nước mặn lấn sâu vào
đất liền, miền Tây đang khát nước trong mùa lũ. Trung tâm Dự báo
khí tượng thủy văn quốc gia đã khuyến cáo các địa phương cần sớm có các biện
pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Mùa nước nổi ở miền
Tây Nam bộ, bao năm qua nhiều người quen gọi mùa lũ, có vai trò cực kỳ quan
trọng trong việc hình thành, tồn tại của vùng đất này. Nó mang về nhiều nguồn
lợi nông nghiệp, thủy sản và sinh kế cho người dân. Mặc dù cũng là hiện tượng lũ lụt, nhưng lũ miền Tây đối với người nơi đây
không phải là thiên tai. Nước về nhiều tuy gây ngập lụt nhưng có tác dụng rất
lớn trong việc tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh, vệ sinh đồng ruộng, đặc
biệt bồi đắp phù sa.
Kinh nghiệm cho
thấy năm nào lũ cao là vụ đông xuân năm sau trúng mùa. Cư dân vùng này đã biết
sống chung với lũ bằng việc thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, đa dạng
hóa sinh kế, chuyển sang khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào.
Vì vậy, sự biến mất
của mùa lũ sẽ là tai họa của đồng bằng. Việc các quốc gia đầu nguồn xây đập
thủy điện, “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước sông Mê Kông và tác
hại của đê bao cục bộ trong vùng, làm cho các dòng sông đói phù sa, đổi dòng
hung bạo tạo ra sạt lở.
“Chiếc áo giáp phù
sa” bảo vệ bờ biển đồng bằng cũng bị bào mỏng đi. Trong khi đó, nhiều công
trình thủy lợi cục bộ trong vùng thời gian qua được làm theo kiểu mạnh ai nấy
lo, đã phá vỡ các túi chứa nước lũ được điều tiết tự nhiên hàng ngàn năm qua.
Việc chạy đua “quay vòng hệ số sử dụng đất” trong sản xuất nông nghiệp khiến
“lũ đẹp” không vào được nội đồng.
Tài nguyên nước
sông Mê Kông sụt giảm nghiêm trọng, thiếu hụt lượng lớn phù sa, đồng ruộng “suy
dinh dưỡng”, ảnh hưởng nặng nề đa dạng sinh học, tác động tiêu cực sinh kế
người dân.
Lo di chứng hạn mặn
Tháng 7-2019, Ủy hội sông
Mê Kông quốc tế đã báo động tình trạng mực nước đầu nguồn con sông và khu vực
Biển Hồ ở mức thấp nhất trong lịch sử. Khô hạn không chỉ diễn ra ở Lào, Thái
Lan, Campuchia, đã tác động xuyên biên giới xuống hạ lưu thuộc Việt Nam.
|
Thiên tai, biến đổi
khí hậu và những tác động tiêu cực khác đã và đang kích hoạt cuộc khủng hoảng
di cư ở miền Tây. Một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là những người trẻ tuổi,
bỏ ruộng đồng di cư lên thành thị mưu sinh.
Theo kết quả sơ bộ
tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL có tỷ lệ
xuất cư cao, tỷ lệ di cư gấp đôi bình quân cả nước. Thiếu việc làm nông thôn,
thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo và sinh kế khan
hiếm ở nông thôn, là nguyên nhân đẩy lao động nông thôn miền Tây ra khỏi khu
vực truyền thống. Trong bối cảnh đó, tác động của thiên tai, hạn mặn như bồi thêm "cú
đấm hội đồng" lên "thân thể" các gia đình nông dân miền Tây, mà
di chứng của nó để lại sẽ còn rất nặng nề.
Di cư tự phát cũng
làm nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật tự, giao
thông, môi trường... Di cư tự phát, di chứng của hạn, mặn ở miền Tây là chỉ dấu để rà soát lại
kết quả triển khai các chính sách lớn về tam nông, về xây dựng nông thôn mới,
giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để hoạch định, thực
thi chính sách và hệ thống giải pháp thích hợp cho vùng này. Không chỉ đơn
thuần là việc quản lý dân cư về mặt hành chính, hay chỉ ứng phó với thiên tai,
hạn mặn, mà phải xem xét, giải quyết về mặt xã hội.
Từ thoát lũ sang
trữ ngọt
Lâu nay, chúng ta
xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu để thoát lũ, nên chuyển sang trữ ngọt và
dùng nước tiết kiệm. Từ xưa, cùng với mùa nước nổi, thiên nhiên đã hình thành
các túi nước tự nhiên khổng lồ ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để
trữ nước.
Từ bao đời nay,
người dân ven biển đã biết dùng lu, khạp để trữ ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô.
Tư duy đó cần đựợc nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy
hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng
thủy lợi, giao thông.
Sản xuất nông
nghiệp cần áp dụng "3 chuyển dịch": dịch chuyển lịch thời vụ để né
hạn, mặn", sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi
cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa; kèm theo là các giải pháp kỹ
thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi
thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất.
Về lâu dài, để
thích nghi với biến đổi khí hậu, hạn, mặn, trước hết cần tiếp cận linh hoạt đối
với quy hoạch sử dụng đất. Cần ưu tiên đầu tư vào vùng lõi lúa gạo của ĐBSCL ở
Tứ giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân biệt khu vực trồng lúa trọng yếu và không trọng yếu, dựa trên sự phù
hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu. Bên
cạnh đó, cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau
ở vùng lõi, vành đai và các khu vực trồng lúa bình thường khác.
Tài nguyên đất và
nước ví như đôi chân kiến tạo và phát triển vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều
thách thức. Cùng với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chương
trình, cần có thêm nhiều nghiên cứu khoa học, các luận cứ khoa học và thực tiễn
để chỉnh trị và ứng phó hiệu quả tình trạng hạn mặn, sạt lở và sụt lún. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong
thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội, giúp đôi chân đồng bằng vững
bước hơn trên đường phát triển.
Chống hạn giữa mùa
lũ là thách thức lớn. Những giải pháp công trình rất cần, nhưng các giải pháp
phi công trình cũng không thể thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể
ngồi chờ, nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Bài
toán cân bằng tổng thể và yêu cầu “chi phí - lợi ích” cần được đặt ra trước
tiên cho bất kỳ quyết định đầu tư công trình vội vã nào.
Nhận xét
Đăng nhận xét