Ts. Trần Hữu Hiệp
Tổ chức
Mekong Freedom Network của Thái Lan mới đây nhận định 8 đập thủy điện nằm trên
lãnh thổ Trung Quốc là thủ phạm chính khiến mực nước sông Mê Kông xuống thấp kỷ
lục.
Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cũng
đã báo động tình trạng mực nước đầu nguồn con sông này và khu vực Biển Hồ ở mức
thấp nhất trong lịch sử vào mùa lũ năm nay. Hiện tại, một chuỗi các đập thủy
điện khác cũng đã và đang dự định triển khai ở Lào, Campuchia dự báo sẽ làm
trầm trọng thêm tình hình.
Việc các quốc gia đầu nguồn xây
đập thủy điện, các dự án chuyển nước đang từng ngày "trích máu" dòng
Mê Kông làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản,
tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân
ĐBSCL. Và do ĐBSCL là cửa ngõ ra biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối
quan hệ sông - biển nên thiếu nước đầu nguồn dẫn đến nguy cơ nước mặn lấn sâu
vào đất liền.
Trong khi chịu tác động trực tiếp
từ đầu nguồn, các nhà khoa học Hà Lan vừa công bố kết quả nghiên cứu chỉ rõ
ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8 m so với mức 2,6 m như các công bố
trước đó. 12 triệu dân vùng đồng bằng này có nguy cơ phải di cư trong 50 năm
tới.
Mặc dù trong những ngày qua, mưa
lớn, mực nước đầu nguồn sông Mê Kông lên cao hơn nhưng lũ vẫn còn "rón
rén", chưa chịu về đồng bằng. Miền Tây vẫn đang khát nước trong mùa lũ.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai cộng với nhân tai đang kích hoạt
một cuộc khủng hoảng di cư ở miền Tây.
Khoảng chục năm qua, một bộ phận
không nhỏ nông dân, nhiều nhất là những người trẻ tuổi, bỏ ruộng đồng di cư lên
thành phố. Thiếu việc làm nông thôn, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao
động chưa qua đào tạo và sinh kế khan hiếm là nguyên nhân "đẩy" lao
động nông thôn miền Tây đi nơi khác. Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và
nhà ở năm 2019, nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL có tỉ lệ xuất cư cao, tỉ lệ di cư
gấp đôi bình quân cả nước.
Di cư tự phát làm nảy sinh nhiều
hệ lụy về mặt xã hội. Đó là những bất ổn về an ninh, trật tự, giao thông, môi
trường. Nó chính là một chỉ dấu để rà soát lại kết quả triển khai các chính
sách lớn về tam nông, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, đào tạo nghề
cho lao động nông thôn; để hoạch định, thực thi chính sách và hệ thống giải
pháp thích hợp cho vùng này.
Không chỉ đơn thuần là việc quản
lý dân cư về mặt hành chính hay chỉ ứng phó với thiên tai, hạn mặn mà phải xem
xét, giải quyết về mặt xã hội trước nguy cơ một cuộc di cư tự phát ở miền Tây
đang bị kích hoạt.
Nhận xét
Đăng nhận xét