Ts. Trần Hữu Hiệp
TTO - Từ góc nhìn camera được lắp đặt bằng túi tiền ngân sách cho thấy
gánh nặng ngân sách càng nặng hơn trước những quyết định chi tiêu. Bài học về
tính hiệu quả, cấp bách của đầu tư công là bài học dài cần được 'soi camera' ở
nhiều địa phương.
Chuyện tỉnh nghèo Sóc Trăng chi gần 1 tỉ đồng ngân sách lắp camera ở nhà
riêng của cán bộ lãnh đạo gây ồn ào dư luận chưa lắng xuống, thì tỉnh Vĩnh Long
lại chủ trương đầu tư gần 200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cũng liên quan đến
"cái ghi hình". Hệ thống 114 camera sẽ được tỉnh này trang bị thuộc dự
án đầu tư công cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an
ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông ở TP Vĩnh Long.
Việc ứng dụng công nghệ, thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu phục vụ quản
lý điều hành đô thị là cần thiết, nhất là trong thời đại 4.0. Nhưng nhìn từ hiệu
quả và sự cần thiết trong hoàn cảnh của những địa phương còn rất nhiều mối lo
cơm áo gạo tiền khác, đặc biệt trong túi tiền ngân sách căn kéo của những tỉnh
nghèo, nhu cầu bức xúc đầu tư phát triển y tế, giáo dục, giao thông, thì những
chiếc camera ở Sóc Trăng hay Vĩnh Long thành những món hàng xa xỉ.
Hai câu chuyện mua camera bằng tiền ngân sách ở 2 tỉnh khác nhau, nhưng
có điểm chung là những địa phương túi tiền ngân sách nhiều năm gặp khó. Sóc
Trăng là tỉnh nghèo với tỉ lệ hộ nghèo đứng đầu vùng ĐBSCL, ngân sách cũng luôn
gặp khó.
Theo quyết định 2610/QĐ-BTC ngày 21-12-2017 của bộ trưởng Bộ Tài chính
công bố công khai số liệu mới nhất về dự toán ngân sách nhà nước các tỉnh, thành,
tổng thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp năm 2018 của Sóc Trăng hơn
2.601 tỉ đồng, trong khi tổng chi 7.393 tỉ đồng, chỉ mới đảm bảo được khoảng
35%.
Vĩnh Long cũng là một tỉnh "túi tiền" eo hẹp, tổng thu ngân
sách năm 2018 là 4.825 tỉ đồng, trong khi phải chi 6.320 tỉ đồng, đồng thời phải
nhận trợ cấp hơn 1.000 tỉ đồng bổ sung các chương trình mục tiêu.
Đặt những chiếc camera được mua sắm từ tiền ngân sách eo hẹp của Sóc
Trăng, Vĩnh Long... hay ở các tỉnh khác trước những tuyến đường bị ùn tắc, bệnh
viện quá tải, người nghèo cơ nhỡ, trường lớp học tạm bợ, trẻ con bỏ học... của
những tỉnh nghèo, thì 1 tỉ đồng của Sóc Trăng hay 200 tỉ đồng của Vĩnh Long hoặc
các tỉnh khác sắp chi ra đều rất đáng suy ngẫm.
Và việc dùng "túi tiền ngân sách" trong những dự án đầu tư
công này rất cần được giám sát chi tiêu chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả việc phục
vụ nhân dân.
ĐBSCL đã được cảnh báo về tình trạng chậm phát triển, tụt hậu và ngày
càng bộc lộ rõ. Khoảng cách này ngày càng lớn hơn cho thấy sự tụt hậu ngày càng
xa của vùng đất giàu tiềm năng của quốc gia, trong khi ngân sách trung ương chi
cho địa phương chưa đủ và ngân sách tự thân của các tỉnh, thành chưa đủ để nuôi
mình.
Từ góc nhìn các camera được lắp đặt bằng túi tiền ngân sách cho thấy
gánh nặng ngân sách càng nặng hơn trước những quyết định chi tiêu. Vấn đề này
không mới và gần như ai cũng thấy, nhưng biện pháp, giải pháp ưu tiên được chọn
lựa đầu tư có thể khác nhau. Bài học về tính hiệu quả, tính cấp bách của đầu tư
công là bài học dài cần được "soi camera" trong hoàn cảnh thực tế của
nhiều địa phương.
Nhận xét
Đăng nhận xét