Ts. Trần Hữu Hiệp
TTO - 15 năm qua, đồng bằng sông Cửu Long vẫn vướng
các điểm nghẽn về vốn, nguồn nhân lực, thiếu sức hút đầu tư và nội lực để phát
triển. Một vùng đất giàu tiềm năng đang tụt hậu ngày càng xa, vẫn là vùng trũng
cả nước.
Cách đây gần 15 năm, phát biểu
tại hội thảo "đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hội nhập và phát
triển" tổ chức tại Cần Thơ (năm 2005), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ ra
3 điểm nghẽn phát triển của vùng là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và chất
lượng nguồn nhân lực.
Ông đề xuất 3 khâu đột phá tháo
điểm nghẽn với 4 giải pháp lớn liên quan đến quy hoạch, tập trung đầu tư vốn
ngân sách, huy động vốn khác và một chương trình truyền thông đại chúng nâng
cao nhận thức, ủng hộ cho quyết sách này.
Tháng 9-2017 cũng tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị ĐBSCL với cách tiếp cận tổng hợp, tư duy kiến
tạo, thích ứng thuận theo tự nhiên và yêu cầu quy hoạch tích hợp.
Kết quả là nghị quyết 120 của Chính phủ về phát
triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành, với những
quyết sách lớn tạo ra nhiều kỳ vọng mới cho đồng bằng. Song cho đến nay, một chương trình tổng thể thực
hiện nghị quyết này còn là dự thảo. Cơ chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL giai
đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 đã xác định cơ chế
"tài chính sáng tạo" là dành ít nhất 10% ngân sách hằng năm đầu tư
cho vùng để thực hiện các chương trình, dự án liên kết vùng cho đến nay vẫn
chưa thí điểm được.
Mặc dù đạt được những thành tựu không thể phủ nhận,
nhưng nhìn lại 15 năm qua vùng ĐBSCL vẫn đang vướng các điểm nghẽn về vốn đầu
tư, tổ chức bộ máy thực thi và thiếu các sản phẩm quy hoạch tích hợp phục vụ
yêu cầu liên kết vùng để tăng cường thu hút đầu tư mạnh mẽ, tạo ra nguồn thu và
nội lực thực sự cho vùng đất giàu tiềm năng này.
Phát biểu của Bí thư TP Cần Thơ Trần Quốc Trung cho
rằng ĐBSCL thu ngân sách chỉ bằng tỉnh Bình Dương thật ra không phải là phát
hiện mới, nhưng cần quyết sách mới để cải thiện tình hình.
Ba nút thắt ảnh hưởng thu hút đầu tư vào vùng
ĐBSCL, kéo theo cái khó thu ngân sách cần được nhận diện vẫn là do yếu kém hạ
tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực và đang thiếu một quyết sách mạnh mẽ
tạo ra cơ chế, chính sách đột phá cho vùng.
Đối chiếu các số liệu thống kê về tỉ trọng GDP,
nguồn thu ngân sách của các địa phương, có thể thấy sự đảo chiều đáng suy ngẫm
của ĐBSCL. Vai trò của vùng này so với các vùng khác và cả nước đang giảm dần.
Tỉ trọng đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong gần 3 thập
niên qua giảm mạnh.
Mặc dù trong 10 năm trở lại đây ĐBSCL duy trì được
tỉ trọng trên dưới 18% trong tổng GDP quốc gia, song chỉ bằng 2/3 của mức đóng
góp 27% của năm 1990. So với TP.HCM, nếu vào năm 1990 GDP của ĐBSCL còn
cao hơn TP.HCM gấp rưỡi thì 20 năm sau, tỉ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược với
GDP của TP.HCM cao gấp rưỡi. Khoảng cách này ngày càng lớn hơn cho thấy sự tụt
hậu ngày càng xa của vùng đất giàu tiềm năng của quốc gia. Gánh nặng ngân sách
cho chi thường xuyên còn chiếm chủ yếu, nhiều nơi chi cho đầu tư rất
thấp.
Trong khi đó số lượng doanh nghiệp, số dự án và vốn
đầu tư vào vùng, chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL vẫn bị xếp vào vùng trũng
của cả nước. Vấn đề này không mới và gần như ai cũng thấy, có
thể cùng cách tiếp cận giống nhau nhưng biện pháp, giải pháp ưu tiên được chọn
lựa có thể khác nhau.
Từ góc nhìn nguồn thu ngân sách trên địa bàn, ĐBSCL
cần được ưu tiên tháo 3 nút thắt về cơ sở hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn
nhân lực và cơ chế tài chính để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển mạnh
mẽ hơn nữa.
Tầm nhìn dài hạn trước thách thức, cạnh tranh cho
một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương lai đòi hỏi hiện
tại phải vượt qua các điểm nghẽn và cần một quyết sách mạnh mẽ tháo nút thắt
cho "túi tiền miền Tây" để vùng này phát huy đúng với vai trò, vị trí
quan trọng đối với cả nước.
Chỉ
có Cần Thơ tự cân đối được ngân sách
ĐBSCL mới có 3 tỉnh thành thu ngân sách hằng năm
vượt hơn 10.000 tỉ đồng là Long An, Cần Thơ và Kiên Giang. Trong đó chỉ có Cần
Thơ tự cân đối được ngân sách. Nguồn thu ngân sách nhiều tỉnh thành phụ thuộc vào
nguồn xổ số kiến thiết, các dự án bia, khai thác quỹ đất.
Nhận xét
Đăng nhận xét