Trần Hữu
Hiệp
TTO - Đáng ra phải “ngồi chiếu trên” của một cường quốc xuất khẩu gạo trong
mấy thập niên qua, hạt gạo Việt vẫn chưa thoát khỏi phân khúc gạo cấp thấp,
xuất ngoại nhiều, giá giảm.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên gạo Việt được giải quốc
tế. Vấn đề đặt ra là trong khi có nhiều thương hiệu gạo đoạt giải, gạo Việt vẫn
bán giá bèo, xuất khẩu tăng lượng, giảm giá trị, phải chịu kiếp "hồn
Trương Ba, da hàng thịt".
Làm sao để gạo Việt chuyển từ rẻ, ngày càng có nhiều gạo
ngon và quan trọng là tăng giá trị? Câu hỏi đó đã được đặt ra nhiều năm qua
nhưng chưa có lời giải đẹp.
Không thể phủ nhận kỳ tích của hạt gạo Việt qua 30 năm
đổi mới. Nhưng kỳ tích đã qua không phải là một đảm bảo chắc chắn cho thành
công trong thời gian tới. Hạt gạo Việt với chính sách và đối sách xuất khẩu
"phập phù", đang mất dần lợi thế, có thương hiệu gạo quốc gia cũng
như không đang là thách thức mới.
Hằng năm, chúng ta sản xuất khoảng 44 triệu tấn lúa,
tương đương 22 triệu tấn gạo. Xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn, chỉ chiếm hơn 27%,
còn lại 16 triệu tấn tiêu dùng trong nước, chiếm gần 2,7 lần gạo xuất khẩu.
Trong khi thị trường gạo nội địa với hơn 96 triệu người dùng đang đòi hỏi
thương hiệu, có sự đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người dùng gạo trong nước cần được đáp ứng đúng nhu cầu,
phải có công cụ truy xuất nguồn gốc, bảo vệ các thương hiệu gạo uy tín, chất
lượng. Vì vậy, việc định ra các phân khúc thị trường tiêu thụ bao gồm xuất khẩu
và nội địa tương ứng với từng chủng loại gạo gắn với thương hiệu là rất quan
trọng.
Gạo Việt đoạt các giải thưởng lúa gạo quốc tế không phải
như các cuộc thi sắc đẹp chỉ để ngắm nhìn, cần tăng cường năng lực hợp tác
nghiên cứu khoa học, đưa các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu
hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
Cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, sản xuất các giống lúa
có chất lượng, giá trị cao không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà cần được gắn với hệ
thống ngành hàng lúa gạo từ khâu giống đến quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế
biến, bảo quản và tiêu thụ, phát triển công nghệ sau gạo.
Bà con nông dân cần được tập hợp lại cùng với các doanh
nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu
vào đến đầu ra. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế
biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý.
Gạo Việt đang rất cần trợ lực và sức bật
mới từ các ngành "công nghiệp phụ trợ". Đó có thể là các ngành công
nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng cao như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn,
sữa gạo, thức uống dinh dưỡng...), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano
chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi,
thủy sản.
Nâng cao sức cạnh tranh, định chuẩn giống lúa, đảm bảo
chất lượng gạo và xác định đúng phân khúc thị trường đầu ra cho hạt gạo để các
yêu cầu này tác động trở lại từ đầu vào đến đầu ra trong toàn bộ chuỗi giá trị
gạo Việt và mở ra một không gian phát triển mới cho các sản phẩm sau gạo
Việt.
Đó là những thông điệp mang lại từ các "giải thưởng
gạo ngon quốc tế", là đường đi của gạo Việt từ rẻ, ngon đến giá trị kinh
tế cao.
Nhận xét
Đăng nhận xét