TS. Trần Hữu Hiệp
(VNF) - Theo số liệu thống kê từ
Cục Đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn vùng đồng bằng sông Cửu
Long (ĐBSCL) thu hút 151 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn
đăng ký 1.126 triệu USD, chiếm 5,4% số dự án và 10,26% tổng vốn đăng ký mới của
cả nước.
Nhiều năm liền, vốn FDI chủ yếu tập trung vào các tỉnh Long An, Tiền Giang, chiếm 75,2% tổng số dự án và 45,5% tổng vốn FDI của toàn vùng ĐBSCL.
So
với cùng kỳ năm 2018, số dự án tăng 52 dự án, nhưng vốn đăng ký chỉ bằng khoảng
75%. Lũy kế đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 1.662 dự án FDI với tổng vốn đăng ký
22.634 triệu USD, chiếm 5,56% số dự án và 6,32% tổng vốn FDI đăng ký của cả
nước, xếp thứ 4/6 vùng kinh tế, chỉ cao hơn Tây Nguyên và Tây Bắc, nhưng thấp
hơn nhiều so với Đông Nam Bộ (chiếm khoảng 42%), Đồng bằng sông Hồng (chiếm
30%) và Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung (khoảng 17%).
Điểm
sáng “Cửa ngõ miền Tây” và “nơi khuất nẻo”
Nhiều
năm liền, vốn FDI chủ yếu tập trung vào các tỉnh Long An, Tiền Giang, chiếm
75,2% tổng số dự án và 45,5% tổng vốn FDI của toàn vùng ĐBSCL. Các tỉnh “Cửa
ngõ Miền Tây” này được hưởng lợi nhờ giao thông thuận tiện, liền kề thành phố
Hồ Chí Minh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đón nhận sự dịch
chuyển vốn đầu tư, tác động lan tỏa của TP. HCM. Đây cũng là các tỉnh có sự bứt
phá tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, tăng nhanh xuất khẩu, các chỉ số tăng
trưởng công nghiệp, GRDP cũng thuộc nhóm cao nhất vùng.
Điểm
sáng kế tiếp đáng ghi nhận là sự nỗ lực của số tỉnh “khuất nẻo” Trà Vinh và Bến
Tre. Đây cũng là những địa phương có nhiều bứt phá khi hạ tầng giao thông như
cao tốc TPHCM - Trung Lương, cầu Rạch Miễu và các tuyến giao thông liên kết
vùng, gắn kết với TP. Hồ Chí Minh và vùng trọng điểm phía Nam được đầu tư. Trà
Vinh đã vươn lên vị trí 3, chỉ sau Long An và Kiên Giang với tổng vốn đầu tư
FDI thu hút được hơn 3.234 triệu USD, chiếm 14,3% tổng vốn FDI toàn vùng. Bến
Tre cũng có nhiều bứt phá lên vị trí thứ 5 với tổng vốn FDI đăng ký đạt 1.079
triệu USD. Đây cũng là những điểm sáng trong bản đồ PCI quốc gia, nâng cao năng
lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Vùng
kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL gồm 4 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang
và Cà Mau, thu hút FDI tuy còn thấp hơn Long An và Tiền Giang, nhưng cũng chiếm
25,7% tổng vốn đầu tư đăng ký toàn vùng, đặc biệt là vai trò của Kiên Giang với
sự đóng góp đáng kể trong thu hút vốn FDI của đảo ngọc Phú Quốc.
“Mảng
tối” trên bản đồ FDI
Vai
trò “đầu tàu” trong thu hút FDI của “Tứ giác động lực” gồm Cần Thơ, An Giang,
Kiên Giang và Cà Mau chưa rõ do có sự phát triển không đều giữa 4 địa phương.
Tỉnh Kiên Giang nổi trội, xếp thứ 2 chỉ sau Long An, thu hút hơn 4.739 triệu
USD, chiếm gần 21% tổng vốn FDI đăng ký toàn vùng. Trong khi Cần Thơ là trung
tâm vùng ĐBSCL xếp thứ 6/13 tỉnh thành, chỉ thu hút được hơn 726 triệu USD,
chiếm 3,2% tổng vốn toàn vùng. An Giang với nhiều lợi thế về biên mậu, nhưng
đến nay mới thu hút 208 triệu USD vốn FDI, chiếm 0,9% tổng vốn toàn vùng, xếp
thứ 11/13. Cà Mau xếp cuối bảng, mới thu hút hơn 149 triệu USD, chiếm 0,66%
tổng vốn toàn vùng. Đây cũng là 2 tỉnh xếp thứ 50 và 54/63 tỉnh, thành cả nước
thu hút vốn FDI.
Dù
có nhiều đóng góp quan trọng cho cả nước, nhưng thu hút FDI của ĐBSCL chưa
tương xứng với tiềm năng, vai trò, vị trí của vùng do những trở ngại về hạ tầng
giao thông, nguồn lực đầu tư công hạn chế, thiếu động lực, lao động qua đào tạo
chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, thiếu liên kết vùng. Vì vậy, mặc dù là “điểm
sáng” ở thời kỳ đầu, nhưng ĐBSCL trong nhiều năm lại là “vùng trũng” trên bản
đồ thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước.
Kết
quả thu hút FDI những năm gần đây của ĐBSCL đã có những khởi sắc nhờ những cải
thiện về cơ sở hạ tầng, tập trung đầu tư phát triển 3 khâu đột phá là: giao
thông, thủy lợi, giáo dục - đào tạo và dạy nghề. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn
thấp, chưa tương xứng với vai trò của vùng trọng điểm nông nghiệp số 1. Là điểm
sáng PCI cả nước, nhưng thu hút FDI của 13 tỉnh, thành trong năm 2018 chưa bằng
một tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1,5 tỷ USD so với 1,8 tỷ USD).
Cần
chiến lược mới về thu hút đầu tư
Để
tạo động lực mới cho các luồng vốn FDI vào khu vực ĐBSCL nhiều hơn và phù hợp
với định hướng trên rất cần có các giải pháp mạnh mẽ và phù hợp hơn nữa. Cụ thể
là nên tập trung vào 3 giải pháp quan trọng sau:
Một
là, xây dựng chiến lược FDI của vùng. Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch phát
triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về
phát triển vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng
giao thông, thủy lợi, nguồn nhân lực tương xứng.Việc thiếu một chiến lược, lúng
túng trong việc tiếp cận các đối tác, nôn nóng muốn vượt lên thoát khỏi “vùng
trũng”… là nguyên nhân tụt hậu của vùng này. Trong khi dòng vốn đầu tư FDI đang
có sự dịch chuyển giữa các quốc gia do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ -
Trung, vùng ĐBSCL cần chuẩn bị môi trường đầu tư tốt nhất để thu hút các dòng
vốn sạch, tránh tình trạng vì “khát vốn, sốt ruột” mà thu hút các dự án đầu tư
gây tác động môi trường.
Hai
là, tăng cường liên kết vùng, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc
đẩy liên kết vùng trong thu hút vốn, tạo môi trường đầu tư chung, cơ sở hạ tầng
dùng chung, “phân công, phân vai” giữa các địa phương trong vùng cùng với liên
kết sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL. Liên kết vùng được xem là giải pháp
có tính chiến lược nhằm đẩy mạnh thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI vào ĐBSCL.
Ba
là, cần đổi mới công tác vận động, xúc tiến đầu tư, tránh tình trạng mỗi tỉnh
làm xúc tiến đầu tư riêng lẻ, mạnh ai nấy làm. Đưa công tác vận động, xúc tiến
thu hút đầu tư nước ngoài theo chiến lược vùng, quy hoạch chung, sự liên kết
theo từng chuyên đề, lĩnh vực và theo vùng.
Lợi
thế của ĐBSCL không chỉ với các sản phẩm nông nghiệp, mà còn từ vị trí địa lý
chiến lược trong cục diện mới. Đó là thế mạnh để phát triển kinh tế biển; từ
đảo ngọc Phú Quốc đến tuyến hàng hải quốc tế rất gần, tuyến hành lang kinh tế
trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; từ thế tựa lưng với TP.HCM, hướng ra biển
Đông, kề vai tuyến biên giới Tây Nam, nằm trong bán kính 500km của ASEAN mà
vùng châu thổ này là tâm điểm, tạo ra thế địa kinh tế đặc biệt. Sự tiên phong
về tư duy phát triển, gắn kết được quá trình liên kết các chuỗi giá trị kinh tế
sẽ là khâu đột phá để ĐBSCL trở thành cực thu hút đầu tư và tăng trưởng trong
thập niên tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét