Trần Hữu Hiệp
PNO - Thực hành nông nghiệp an toàn là mệnh lệnh của thị trường nhằm xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, mà trên hết là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nông sản Việt phải đạt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, minh bạch về quy trình, sử dụng hiệu quả các công cụ kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Có thể nói, thị trường đang đòi hỏi ngày càng nghiêm ngặt hơn. Đòi hỏi này không chỉ đến từ các thị trường xuất khẩu mà còn từ gần 100 triệu người dân trong nước.
Việt Nam là 1 trong 15 nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản và ở tốp đầu về xuất khẩu lúa gạo, cá tra, tôm. Thời gian qua, các chuỗi liên kết sản xuất lương thực, thực phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung, đã được quan tâm xây dựng, đạt được một số kết quả bước đầu.
Ở tốp đầu về xuất khẩu lúa gạo, cá tra, tôm, nông sản Việt phải đạt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế |
Tuy nhiên, độ khó và tính cạnh tranh trên thương trường ngày càng lớn. Nông sản Việt vẫn gặp nhiều khó khăn ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu. Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp theo lối hữu cơ, tuần hoàn cần được đặt trong tổng thể chuyển đổi tư duy và phương thức kinh doanh nông nghiệp. Nó phải là mệnh lệnh từ thị trường chứ không phải từ lời kêu gọi chung chung.
Việc chuyển đổi sang kinh doanh nông nghiệp đàng hoàng, làm nông tử tế không thể từ một vài dự án có tính đối phó, ngắn hạn, không thể lắt nhắt một ít chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, mà cần những cải cách mạnh mẽ hơn.
Việt Nam đang tích cực xây dựng hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, ban hành nhiều chính sách quan trọng để tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Không chỉ Chính phủ nỗ lực mà đã có những doanh nghiệp tiên phong, nhiều nông dân đang hiện thực hóa nền kinh tế số trên những cánh đồng, vườn cây, ao cá… Qua công nghệ số, mã vạch, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, nắm thông tin về chất lượng nông sản đang được bày bán ở các siêu thị. Công nghệ số tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và góp phần xây dựng các chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn.
Tuy nhiên, nền tảng pháp lý, thể chế hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, của đổi mới sáng tạo, kinh tế chia sẻ. Sự lúng túng trong việc quản lý hoạt động kinh doanh theo kiểu mới dễ dẫn đến sự quản lý chồng chéo giữa các bộ, ngành.
Kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ… không phải là điều xa lạ với nông dân và người tiêu dùng. Nhiều ứng dụng trực tuyến truy xuất nguồn gốc nông sản, kiểm soát quy trình canh tác, điều khiển tự động… đã được ứng dụng rộng rãi. Vấn đề là cần xây dựng các chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ các tác nhân tham gia trong mối quan hệ gắn bó công nghệ, thị trường, lợi ích.
Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp và làm nông tử tế đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, với các tiêu chí cụ thể, hệ thống kiểm soát chất lượng đáng tin cậy, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi.
Năm 2023 đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức cho ngành nông nghiệp. Thế giới vẫn chịu tác động của lạm phát, chiến tranh, sức ép cạnh tranh trên thị trường nông sản thế giới càng mạnh hơn.
Cần tiếp tục phát huy những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là khi Trung Quốc mở cửa sau thời gian dài theo đuổi chính sách “zero COVID”. Các thương nhân, nông dân cần phải làm ăn bài bản, đàng hoàng, xuất khẩu chính ngạch. Nông sản nhất thiết phải đạt các tiêu chuẩn, phải minh bạch về quy trình, sử dụng hiệu quả các công cụ kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đó là mệnh lệnh của thị trường, không thể làm khác được.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Báo chí- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét