Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 06-04-2023
- 09:10|Nói thẳng
(NLĐO) -
Ngành điện nhiều năm thua lỗ, giá điện rập rình tăng, năng lượng tái tạo “thừa
mà thiếu”... sẽ là áp lực rất lớn cho người kế nhiệm “ghế nóng” của Chủ tịch
Dương Quang Thành.
Nhìn
nhận công bằng, ngành điện đã tạo thành tích đáng ghi nhận. Việt Nam từ
"nhóm cuối vươn lên nhóm đầu toàn cầu" tạo nên hình mẫu thành công về
phát triển năng lượng vài thập niên qua. Hiện là quốc gia có quy mô nguồn điện
đứng thứ 2 Đông Nam Á, quy mô lưới điện 500 KV dài gần gấp 5 lần chiều dài đất
nước. Không chỉ đáp ứng điện cho khu vực sản xuất, đô thị tập trung mà chương
trình điện khí hóa nông thôn được đánh giá là một trong những quốc gia thành
công trên thế giới.
Ảnh: Báo NLĐ |
Nhưng,
sự ngổn ngang hiện tại của ngành điện khiến dư luận không khỏi lo lắng; những
nút thắt nội tại của ngành sẽ được tháo gỡ bằng cách nào đây?
Năm
2022, EVN báo lỗ 26.235,78 tỉ đồng, chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá thực
hiện theo hợp đồng mua bán điện từ các năm 2019-2022 lên tới 14.725,8 tỉ đồng.
Trong đó, riêng hoạt động sản xuất - kinh doanh điện ghi nhận mức lỗ 36.294,15
tỉ đồng. Năm 2023, ngành điện dự kiến lỗ thêm 71.620 tỉ đồng, đưa tổng lỗ giai
đoạn 2022-2023 lên 99.305 tỉ đồng. Việc này sẽ làm mất 44,8% vốn nhà nước tại
EVN.
EVN
đang rất khó khăn về tài chính. Giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than,
dầu, khí đã tăng rất cao so với năm 2020. Trong đó, giá than tăng gấp 3 lần,
thậm chí có thời điểm tăng gấp 4-5 lần và giá dầu tăng gấp đôi. Điều này cũng
phản ánh cơ cấu nguồn phát điện của Việt Nam vẫn nghiêng về phía các nguồn điện
hóa thạch với chi phí biến động và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người
cũng như môi trường.
Trong
khi đó, hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư lại gặp nhiều
vướng mắc liên quan cơ chế mua - bán, phải cắt giảm công suất. Ban hành cơ chế
thuận lợi là trách nhiệm của Chính phủ nhưng cơ quan tham mưu cơ chế là EVN -
bên được coi là "nhà cái", là người mua độc quyền trong cuộc chơi.
Nếu không sớm tháo gỡ nút thắt này thì dòng vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo -
vốn được đánh giá là có nhiều tiềm năng và ngày càng rẻ - sẽ tắc nghẽn.
Một
"di sản" khác của ngành điện đã được đặt ra từ nhiều thập kỷ nhưng
đến nay vẫn bỏ ngỏ, đó là khi nào có thể tiến tới một thị trường điện cạnh
tranh đúng nghĩa? Nhìn sang lĩnh vực viễn thông, chính sự cạnh tranh đã đưa
dịch vụ di động từ "món ăn xa xỉ" trở thành "cơm bình dân"
và trở thành chìa khóa mở ra sức mạnh nội tại của ngành. Mở cửa thị trường viễn
thông là quyết định đúng đắn, giúp người dân được hưởng những dịch vụ tốt hơn
và các nhà mạng có thêm động lực phát triển.
Với
ngành điện, việc "mở cửa" hay phá bỏ thế độc quyền để người mua điện
trở thành khách hàng đúng nghĩa, tức là được chọn lựa sản phẩm tiêu dùng, là
không dễ, nếu không muốn nói là không thể thực hiện trên bình diện tổng thể.
Những đặc thù rất riêng của ngành năng lượng cực kỳ quan trọng với an ninh quốc
gia là rào cản không hề nhỏ cho việc tư nhân hóa lĩnh vực này. Có chăng, có thể
đưa tư nhân vào một số khâu, một số khu vực không được xem là trọng yếu của
ngành điện và không bắt buộc phải duy trì độc quyền nhà nước. Tuy vậy, cơ chế,
chính sách cần được xây dựng lại theo hướng tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Đồng
thời, bản thân những lãnh đạo của ngành điện cũng phải "cởi trói" tư
duy cho chính mình theo hướng xóa bỏ tư tưởng độc quyền, mở rộng đón nhận các
nguồn đầu tư có lợi
Việt Nam vẫn chưa có một
thị trường điện cạnh tranh đầy đủ khi nhà nước vẫn phải gồng mình bù lỗ giá
điện cho các đơn vị sản xuất để bù đắp khoảng trống giữa giá thành với giá bán.
Nhưng, sự can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính cần được đặt trong
tổng thể lợi ích của người dân, xã hội, tránh tạo ra cú sốc lớn. Trong đó, bài
toán tăng giá điện là bài toán khó, nhất là khi đây là việc gần như không thể
trì hoãn quá lâu bởi giá thành đã cách khá xa so với giá bán lẻ.
Ở góc độ vĩ mô,
dự thảo Quy hoạch Điện VIII hơn 2 năm qua vẫn chưa được phê duyệt. Những đổi
mới được ví như "khoán 10" của ngành năng lượng từ Nghị quyết 55/2020
của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt
Nam đến năm 2030 đang đòi hỏi được cụ thể hóa. Theo đó, cần rà soát, hoàn thiện
cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan; xây dựng cơ chế, chính sách
đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái
tạo nhằm thay thế tối đa năng lượng hóa thạch. Song song đó, xây dựng, hoàn
thiện cơ sở hạ tầng truyền tải; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia nghiên
cứu xây dựng mô hình tổ chức, điều phối.
Một nền kinh tế
thị trường không thể vận hành trên cơ sở hoạt động của những ngành, những lĩnh
vực phi thị trường. Việt Nam có thị trường điện cạnh tranh sớm hay muộn phụ
thuộc vào sự thay đổi tư duy của nhà điều hành cũng như hành động thực tế của
họ với mục tiêu bảo đảm lợi ích của đa số người tiêu dùng.
"Di
sản" ngổn ngang của ngành điện với khoản thua lỗ lớn, giá điện rập rình
tăng, năng lượng tái tạo "thừa mà thiếu"... sẽ là áp lực rất lớn cho
người kế nhiệm "ghế nóng" của Chủ tịch Dương Quang Thành sẽ nghỉ hưu
từ 1-5-2023.
https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-ngon-ngang-nganh-dien-20230404115513728.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét