PLO - 24/11/2023 21:06
(PLO)- Các chuyên gia cho rằng, việc khai thác cát
sông như cường độ hiện nay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đó là gia tăng sạt lở, ảnh
hưởng đời sống người dân sinh sống ven sông.
Sáng 24-11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức
tọa đàm với chủ đề “Vật liệu nào thay thế cát sông?”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt,
quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho rằng câu chuyện thiếu cát xây dựng không chỉ là tình trạng riêng của
ĐBSCL mà đây là câu chuyện của cả nước, của hiện tại và cả tương lai.
Do đó, buổi toạ đàm mong muốn các chuyên gia, đại biểu tham gia nêu rõ thực trạng thiếu cát hiện
nay được nhìn nhận dưới rất nhiều góc cạnh khác nhau. Cạnh đó, tìm ra được những
giải pháp, cách thức để tìm ra vật liệu thay thế cát sông hiện nay.
Lấy cát sông đắp lên thì sạt lở gia tăng tương ứng
hoặc cao hơn
Theo PGS TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi
trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), nếu tiếp tục tăng
cường khai thác cát sông theo tốc độ như hiện nay thì sẽ “trả
giá” qua một số vấn đề khác.
PGS TS Lê Anh Tuấn cho rằng đã đến lúc, các cơ quan,
đơn vị liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, tìm ra một phương pháp
phù hợp nhất để áp dụng các phương án thay thế vật liệu cát.
Cụ thể, việc khai thác cát sông quá mức sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ven sông, gia tăng và kéo dài thời gian sạt lở... Đây là những vấn đề này đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu nay.
“Ở các tỉnh vùng lũ ngày xưa, như An Giang, Đồng
Tháp... khi làm các công trình vượt lũ chúng ta dùng cát đắp lên để tăng diện
tích cho người dân định cư, thì cũng xấp xỉ với phần diện tích bị mất do sạt
lở. Có nghĩa là khi lấy cát sông đắp lên thì sạt lở cũng gia tăng tương ứng
hoặc cao hơn, thời gian sạt lở kéo dài nhiều hơn” - ông Tuấn dẫn chứng.
Trả lời vấn đề “Nguồn vật liệu nào có thể thay thế cát
sông để đảm bảo cung cấp cho các công trình xây dựng?”, ông Tuấn cho rằng có
thể tìm bất kỳ vật liệu nào để thay thế cát sông, nhưng phải đảm bảo được các
tiêu chuẩn nghiên cứu và quy định chặt chẽ.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa đưa ra được
tiêu chí mới cho vật liệu thay thế. Do đó, ông Tuấn đề nghị cần mạnh dạng
nghiên cứu, áp dụng các phương án khác, như xây đá thành cát, thay đổi kết cấu
công trình, phát triển giao thông thủy để giảm áp lực cho đường bộ...
“Phương án xây đá thành cát kéo theo chi phí cao, tuy
nhiên bù lại tuổi thọ công trình sẽ tăng. Về nghiên cứu thay đổi kết cấu công
trình, ví dụ, có những bộ phận có thể thay thế bằng khung sắt; hoặc nền công
trình có thể giảm sử dụng lượng cát. Ngoài ra, có thể phát triển giao thông
đường thủy để giảm bớt việc xây dựng đường bộ hoặc lưu lượng sử dụng đường thì
cũng là cách giảm bớt phụ thuộc cát.
Hoặc có thể nhập cát ở nơi khác, phương án này có tốn
kém hơn nhưng chúng ta không phải lo chi phí khác, như: chi phí khắc phục môi
trường, khắc phục sạt lở, công trình sạt lở...” - ông Tuấn nêu phương án.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay trường Đại học Cần Thơ đã
nghiên cứu áp dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình. Tuy
nhiên, phương pháp này cần phải được thực hiện đồng bộ, nếu không sẽ sẽ ảnh
hưởng đến tuổi thọ công trình.
Cung - cầu cát ở ĐBSCL đang mất cân bằng
Tại buổi tọa đàm, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL
nhận định thực đang nổi lên ba vấn đề lớn. Đó là: cán cân cung - cầu cát ở
ĐBSCL đang mất cân bằng hết sức nghiêm trọng, nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung
thì hạn chế.
Theo TS Kinh tế Trần Hữu Hiệp, cán cân cung - cầu cát ở ĐBSCL đang mất cân bằng hết sức nghiêm trọng. Ảnh: CHÂU ANH
Vấn đề thứ hai là bất cập trong khai thác, quản lý tài
nguyên cát trong nhiều năm qua hiện nay đang bộc lộ. Vấn đề cuối cùng là làm
thế nào giải quyết vấn đề bức xúc hiện đang tồn tại, nhưng không ảnh hưởng môi
trường và lợi ích trong tương lai.
Đối với việc mất cung cầu cát, ông Hiệp cho biết không riêng các địa phương
ở ĐBSCL đang gặp phải vấn đề này, mà ngay cả TP.HCM cũng “cầu viện” vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, còn có các khu vực đã triển khai hàng loạt các công trình, đặc biệt
là công trình giao thông, từ đó đẩy nhu cầu vật liệu cát tăng cao.
Về vấn đề tìm vật liệu thay thế cát sông, ông Hiệp khẳng định không đơn
giản là đi tìm vật liệu thay thế nguồn cát sông, mà vấn đề lớn hơn là cân đối
lại nhu cầu sử dụng nguồn cát sông; trong đó, phải xem xét nhu cầu sử dụng,
giảm nhu cầu.
“Thiếu cát mà chúng ta càng đẩy mạnh khai thác cát thì sẽ xảy ra các vấn đề
sạt lở, sụt lún trong tương lai. Hay như việc tìm cát biển thay thế nhìn thì có
vẻ rất tốt, nhưng cần xem tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt cát biển ở vùng
ĐBSCL. Nó có quan hệ rất lớn tới tài nguyên nước ở sông Mekong, có thể gây sạt
lở bờ biển hay không là vấn đề cần lưu ý” - ông Hiệp nhấn mạnh.
PGS
TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên
(Đại học Cần Thơ): “Đã đến lúc, các cơ quan, đơn vị liên quan cần ngồi lại với
nhau để cùng bàn bạc, tìm ra một phương pháp phù hợp nhất để áp dụng các phương
án thay thế vật liệu cát.”.
https://plo.vn/khai-thac-cat-song-qua-muc-se-tra-gia-post763214.html#lg=1&slide=1
Nhận xét
Đăng nhận xét