Trần Hữu Hiệp
SGGP - 20/08/2024 07:43
Sống chết là quy luật muôn đời. Có người từ giã cõi đời, dù dân chưa được gặp ngoài đời vẫn không ngớt tiếc thương. Trong cảm nhận của tôi, GS-TS Võ Tòng Xuân, “cây đại thụ” của nông nghiệp Việt Nam, nhà khoa học của ruộng đồng, một người gắn bó với đất, nước, cây lúa, là một người như vậy. Người mà những cây lúa cũng đang cúi đầu tiễn biệt!
GS-TS Võ Tòng Xuân (giữa) trong một lần thăm đồng lúa thơm ST ở tỉnh Sóc Trăng Ảnh: CAO PHONG
Nhớ
thời... trường học trên đồng
Tôi biết GS-TS Võ
Tòng Xuân gần 1/4 thế kỷ trước, khi thầy đã là một người nổi tiếng, một chuyên
gia nông nghiệp hàng đầu của đất nước được thế giới biết đến. Không phải là học
trò của thầy ở trường học, nhưng tôi không ít lần làm thư ký các hội đồng khoa
học giúp việc thầy, sau này được làm việc chung, hay như lần chia sẻ cuối cùng
cách đây hơn 1 tháng, trước khi thầy đi chữa bệnh. Có điều kiện gần thầy trong
công việc, càng quý trọng thầy, không chỉ về kiến thức khoa học, thực tiễn uyên
bác, mà còn chính từ nhân cách, phong cách gần gũi, chân tình, dễ mến.
Nhớ lại năm 1978,
trong lúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam còn nóng bỏng, “vựa lúa gạo” miền
Tây Nam bộ phải vất vả chống chọi với cơn lũ dữ và dịch rầy nâu hại lúa chưa
từng có, nhiều gia đình phải ăn độn khoai lang, khoai mì và bo bo. GS-TS Võ
Tòng Xuân cùng sinh viên tản về các địa phương cùng nông dân miền Tây ra đồng
làm ruộng. Đó là những ngày mà thầy đã kể: “Lúc đó, “giặc” rầy nâu khủng khiếp
đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản trồng giống lúa cũ TN73-2 và
IR26. Tôi đề nghị ban giám hiệu cho đóng cửa trường đại học trong 2 tháng để
chúng tôi cùng sinh viên đem phổ biến giống lúa mới IR36 kháng rầy để giúp nông
dân”.
Thời đó, hơn 2.000
sinh viên nông nghiệp và sư phạm, sau 2 ngày được huấn luyện cấp tốc 3 phương
pháp sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và cấy lúa 1 tép/bụi, đã ra quân đến các địa
phương đang có rầy nâu hại lúa. Mỗi sinh viên mang 1kg lúa giống IR36 để cấy ra
1.000m2, trái với tập quán của nông dân là phải cần 8-10kg lúa giống... Chỉ
trong 2 vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ khắp các vùng lúa cao sản, chấm dứt thảm
họa rầy nâu. Sau này tôi mới biết, từ 5gram hạt giống từ Viện Lúa quốc tế -
IRRI ở Philippines mà thầy Võ Tòng Xuân cùng thầy Nguyễn Văn Huỳnh đã cho ra 2
tấn lúa giống kháng rầy, chống dịch, góp phần đưa Việt Nam thoát cảnh thiếu
lương thực và đưa Việt Nam trở lại vị trí quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế
giới những năm sau đó.
Từ những bức xúc
thực tiễn của ngành nông nghiệp đã khiến thầy trò Trường ĐH Cần Thơ trở thành
những người có mặt sớm nhất ở “trường học của nông dân trên đồng ruộng”, trước
khi trở thành hình mẫu “Farmer Field School - FFS” - một cách thức đào tạo,
chuyển giao kiến thức nông nghiệp được áp dụng rất thành công ở Indonesia, Ấn
Độ và Thái Lan những năm 1980. Ngày nay, người ta cũng thấy mô hình “cùng nông
dân ra đồng” ở những “cánh đồng mẫu lớn”.
An
nhiên khi “cày xong thửa ruộng”
Chắc chắn có nhiều
người chia sẻ, kể nhiều câu chuyện, hoài cảm về GS-TS Võ Tòng Xuân đáng kính từ
những góc nhìn khác nhau. Riêng với những nông dân dù không biết về khoa học
đất đai, kiến thức sinh học trong lai tạo giống lúa, hay những vấn đề về an ninh
nguồn nước, thách thức và ứng phó của nền nông nghiệp Việt Nam ra sao, nhưng họ
hiểu những gì giáo sư chia sẻ. Dù đã gặp thầy hay chưa, họ đều nhận ra hình ảnh
thân quen của thầy bởi sự gần gũi, nhiệt huyết, tận tâm trong công việc gắn với
lợi ích của họ.
Thầy Võ Tòng Xuân
là người làm việc miệt mài, ngay cả đến những ngày cuối đời. Có lẽ “Bên dòng
Cửu Long” với chủ đề: “An ninh nguồn nước” (Truyền hình Quốc phòng phát sóng
ngày 29-6-2024) là chương trình truyền hình cuối cùng thầy xuất hiện trước công
chúng mà tôi có dịp tham gia cùng. Thực hiện xong chương trình này, thầy lên
TPHCM, đi Singapore để chữa bệnh và nay quay về nằm ở quê nhà Ba Chúc (huyện
Tri Tôn, tỉnh An Giang). Không ngờ đó là lần gặp, làm việc chung cuối cùng tôi
được học việc từ thầy.
GS-TS Võ Tòng Xuân
là một trường hợp tiêu biểu về nghiên cứu khoa học không phải vì khoa học, khoa
bảng mà vì thực tiễn, để chuyển giao thành tựu nghiên cứu đem lại lợi ích cho
triệu triệu người, nhất là những người nông dân. Như GS từng chia sẻ: “Sự giàu
có của dân lao động các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên mà tôi đã đi qua, làm
tôi nghĩ đến dân mình - những người chủ nghèo sống trên tài nguyên giàu có. Từ đó,
tôi đã tự xác định mục đích sống cho đời mình: phải đem hết tri thức của mình
đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở nên những người chủ giàu
như dân các nước tiên tiến. Cách cơ bản nhất theo tôi là đào tạo con người có
tri thức và lý tưởng để cùng tham gia phát triển đất nước”.
Không chỉ là các
thế hệ học trò, ngành giáo dục, mà GS-TS Võ Tòng Xuân xứng đáng để người nông
dân, những người ăn cơm và những bông lúa cúi đầu khi thầy nằm xuống. Giờ đây,
thầy đã an nhiên nằm lại ở quê nhà Ba Chúc, một vùng quê miền Tây Nam bộ, như
“vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”.
Chiều
19-8, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP
Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, tang lễ GS-TS Võ Tòng Xuân sẽ được Thành ủy
TP Cần Thơ phối hợp Tỉnh ủy An Giang, Trường Đại học
Cần
Thơ, Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức tại Nhà tang
lễ TP Cần Thơ, số 30A đường Mậu Thân, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần
Thơ. GS-TS Võ Tòng Xuân qua đời lúc 7 giờ 27 phút ngày 19-8-2024, tại TPHCM. Lễ
nhập quan diễn ra lúc 15 giờ ngày 19-8-2024; lễ động quan lúc 8 giờ ngày
22-8-2024; linh cữu được an táng tại quê nhà ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn,
tỉnh An Giang.
GS-TS
Võ Tòng Xuân là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX; từng giữ nhiều trọng
trách như Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ; Hiệu trưởng đầu tiên của
Trường Đại học An Giang; Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam;
Hiệu trưởng Danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ; Hiệu trưởng Trường Đại học Tân
Tạo...
Anh
hùng lao động, NGND, GS-TS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại An Giang, là nhà khoa
học hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông
nghiệp của Việt Nam. Ông là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam hỗ trợ vấn đề
an ninh lương thực cho thế giới. Ông còn được biết đến là “cha đẻ” của nhiều
giống lúa ngon ở ĐBSCL; là nhà khoa học có nhiều sáng kiến cải thiện sinh kế
cho nông dân miền Tây, trong số đó có sáng kiến “rửa phèn” cho vùng Đồng Tháp
Mười và tứ giác Long Xuyên, biến những “vùng đất chết” này thành vùng sản xuất
lúa lớn.
CAO
PHONG
https://www.sggp.org.vn/tien-biet-nha-khoa-hoc-cua-ruong-dong-post754827.html
Nhận xét
Đăng nhận xét