Trần Hữu Hiệp
(TBKTSG) - Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Việt Nam là nước có truyền thống trồng lúa. Nền văn minh lúa nước của Việt Nam có bề dày mấy ngàn năm lịch sử. Kỳ tích của hạt gạo Việt qua 30 năm đổi mới đã đưa nước ta từ một quốc gia thiếu đói ở thập niên 80 thế kỷ trước nhanh chóng vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo.
Nhưng một nghịch lý tồn tại nhiều năm nay là gạo Việt “chưa có tên” trên bản đồ thế giới, chính xác hơn là “chưa có thương hiệu” trên thị trường lúa gạo toàn cầu. Nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu chỉ mang tên gọi chung vô cảm là gạo 5%, 25% tấm hoặc phải “mặc áo” các loại gạo nước ngoài. Định danh gạo Việt, nâng cao giá trị thương hiệu lúa gạo không chỉ cần thiết mà còn rất bức xúc trong bối cảnh cạnh tranh lúa gạo toàn cầu.
Điều đáng mừng khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21-5-2015 phê duyệt đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, đề ra mục tiêu, yêu cầu xây dựng thương hiệu lúa gạo; định vị giá trị, hình ảnh gạo Việt, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong, ngoài nước đối với sản phẩm gạo Việt Nam. Đây là cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thế giới.
Bên cạnh thương hiệu quốc gia, địa phương và doanh nghiệp, lần đầu tiên thương hiệu gạo vùng, miền được xác lập; trong đó trọng điểm là lúa gạo ĐBSCL. Doanh nghiệp được định vị với “vai trò chủ chốt trong xây dựng, sử dụng và phát triển thương hiệu gạo thông qua quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Không thể phủ nhận quyết tâm mạnh mẽ và nhiều nội dung tích cực được chuyển tải qua đề án thương hiệu gạo Việt. Song, đường đi đến mục tiêu thương hiệu hàng đầu thế giới cần nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn nữa.
Để tránh làm thương hiệu kiểu phong trào, cần các dự án đầu tư cụ thể. Từ điểm xuất phát gạo không thương hiệu hiện nay, mục tiêu năm năm sau (đến 2020), phải có 20% và đến năm 2030 có 50% sản lượng gạo xuất khẩu đạt thương hiệu hàng đầu thế giới là một thách thức lớn, chưa kể, đề án còn bỏ ngỏ mục tiêu “thương hiệu gạo” cho thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân Việt ăn gạo Việt chứ không phải là gạo Thái Lan, gạo Campuchia.
Điểm yếu đầu tiên của nhiều “quyết tâm mạnh mẽ” của các chính sách hỗ trợ là “tiền đâu?”. Một nghịch lý đang tồn tại là, trong khi gói tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản 30.000 tỉ đồng được giải ngân hết sức chậm chạp, thì nguồn tài chính cho tái cơ cấu nông nghiệp và thực thi các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn thường rất tản mạn, không rõ nguồn.
Đề án thương hiệu gạo, mặc dù xác định nguồn vốn thực hiện từ ngân sách, tín dụng đầu tư, doanh nghiệp, nhưng rất cần sự chuyển biến mạnh mẽ hơn bằng một chương trình tín dụng cụ thể hơn là kêu gọi lồng ghép chung chung. Điểm yếu thứ hai cần khắc phục là “bảo vệ tác quyền hạt gạo”. PGS.TS. Dương Văn Chín, đại diện Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), từng than thở: Nhà nước khuyến khích xây dựng thương hiệu gạo, nhưng khi công ty làm thương hiệu, đóng túi đẹp, mẫu mã chuẩn, truy xuất được nguồn gốc thì lại phải chịu thuế 5%. Trong khi những người bán gạo tạp hóa, không thương hiệu thì được miễn thuế. Đây là sự bất công, đi ngược lại quá trình khuyến khích xây dựng thương hiệu gạo Việt. (Gần đây, điều này đã được sửa).
AGPPS đã trả tác quyền cho Viện Lúa ĐBSCL 200 đồng/ki lô gam lúa giống. Tuy nhiên, nhiều đơn vị khác không trả tiền tác quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá là một thách thức đang đặt ra cho việc xây dựng thương hiệu.
Đường đến “ngôi vị hàng đầu thế giới” của gạo Việt sẽ đạt được trong năm năm tới hay lâu hơn nữa không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm mà quan trọng hơn là phải thay đổi tư duy dựa trên hiệu quả thực hiện với nguồn lực vật chất cụ thể. Có như vậy “giấc mơ thương hiệu gạo Việt” mới thành hiện thực.
Đọc thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét