Trần Hữu Hiệp
“Tuần lễ Du lịch (DL) xanh ĐBSCL” diễn ra tại TP.Cần Thơ từ ngày 27.6 - 3.7 được kỳ vọng đưa du khách vào miền kỳ thú của “Thế giới sông nước Mê Kông”…
Con đường lúa gạo miền Hậu Giang. Ảnh: T.H.H
Sắc xanh đồng bằng sông nước
Chảy qua 6 nước, sông Mê Kông vào ĐBSCL với 2 dòng chính: Sông Tiền, sông Hậu; mang theo những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa và môi trường hấp dẫn. Các khu Ramsar vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) và Mũi Cà Mau, Phú Quốc; nét đẹp tự nhiên, sinh thái đa dạng của Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, lung Ngọc Hoàng, rừng tràm, rừng đước U Minh; một phần biển đảo đặc thù có một không hai của đất nước - nơi vừa tiếp giáp biển Đông, nối liền biển Tây. DL miền Tây Nam Bộ làm say lòng du khách với đặc trưng của “DL xanh”, là những điểm đến hấp dẫn du khách trong - ngoài nước.
Đề án “Xây dựng sản phẩm DL đặc thù vùng ĐBSCL” được Bộ VHTTDL phê duyệt mới đây xác định sản phẩm đặc thù “Thế giới sông nước Mê Kông”. Đó là sự thể hiện ngắn gọn những giá trị cốt lõi của DL ĐBSCL với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái đất ngập nước, biển đảo Đông - Tây Nam là kết tinh của quá trình lịch sử lao động sáng tạo của bao thế hệ người đồng bằng, văn hoá độc đáo, giàu bản sắc thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, di tích văn hoá - lịch sử, tạo ra nguồn tài nguyên DL nhân văn giá trị.
Việt Nam đang trở thành thị phần hấp dẫn của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế lấy khách ra, còn khách quốc tế vào thì đang giảm. Trong bối cảnh khó khăn chung, lượng khách DL đến ĐBSCL vẫn tăng. Theo thống kê, năm 2014, toàn vùng đón hơn 22,4 triệu lượt khách, tăng 8,3% so năm 2013; trong đó có hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,2% so cùng kỳ; doanh thu đạt hơn 6.360 tỉ đồng, tăng 23,7% so năm trước. Nhưng câu chuyện làm DL nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, “phát triển dưới tiềm năng” DL phong phú, đa dạng, độc đáo của đồng bằng này được nhắc đi nhắc lại thời gian qua. Đặc biệt, vấn đề nổi lên gần đây là yêu cầu liên kết vùng trong phát triển DL.
“Tuần lễ DL xanh ĐBSCL” với chuỗi các hoạt động cấp vùng và cấp quốc gia như hội chợ - triển lãm DL, thương mại; hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào DL xanh”; các hội thảo liên kết phát triển DL xanh, “Áp dụng nhãn DL bền vững Bông sen xanh trong hệ thống cơ sở lưu trú DL tại Việt Nam”; lễ hội đường phố; đêm “Sắc màu phương Nam”; các hội thi ẩm thực hương vị đồng bằng và chung kết Hoa khôi đồng bằng ... đang được kỳ vọng tăng cường liên kết vùng, làm nên thương hiệu “Thế giới sông nước Mê Kông” - một “chỉ dẫn địa lý” tin cậy, uy tín, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Một mình không làm nên chợ
Gần đây, các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm với chuỗi các sự kiện và chủ đề phát triển DL; các hội nghị, hội thảo xúc tiến DL vùng thay cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh, thành. Các địa phương trong vùng đã “nắm tay nhau” tạo ra các sản phẩm liên kết như “Một điểm đến 4 địa phương +”; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hiệp hội DL ĐBSCL, các địa phương trong vùng đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác. Bộ VHTTDL, Tổng cục DL thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thúc đẩy liên kết vùng thông qua công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển ngành.
Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn chưa có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng ĐBSCL phát triển DL thật sự hiệu quả. Ngoài liên kết chính quyền, cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm DL, cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu DL.
“Tuần lễ DL xanh ĐBSCL”, các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu DL đồng bằng đang được kỳ vọng tạo ra không gian DL sống động hơn với nhiều “sản phẩm dùng chung” và điểm riêng độc đáo của từng địa phương. Sản phẩm DL đặc thù “Thế giới sông nước Mê Kông” được phát huy sẽ lấp lánh trên bản đồ DL quốc gia và thế giới.
Trong bài của Trần Lưu (Lưu Phước Hảo) trên Báo Lao động hôm nay (30-6-2015) có nêu ý kiến vụ trưởng, nè:
Trả lờiXóaNhiều bất cập
Được đánh giá là vùng đất trù phú, giàu tiềm năng trong phát triển, nhưng đến nay DL ĐBSCL vẫn chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác chưa hiệu quả. Phát triển DL vùng chỉ mới thể hiện ở tầm nhìn, thiếu những hành động cụ thể, cách làm còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - cho biết: “Các sản phẩm DL ĐBSCL chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu liên kết. Các địa phương chỉ khai thác giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù, dẫn đến kém hấp dẫn”.
http://laodong.com.vn/trang-dbscl/lien-ket-phat-trien-du-lich-xanh-dbscl-347829.bld
Xin hỏi, ý vụ trưởng cho rằng chúng ta đang phát triển theo kiểu "săn bắn, hái lượm", phải không? Nói thật ra, anh cũng đồng tình với nhận xét này. Sao chúng ta mãi luẩn quẩn như "gà cồ ăn quẩn cối xay" mãi. Chính sách cả đống, liên kết cũng nói nhiều mà chưa thấy cái gì hiện hình, tác dụng thiết thực cả.