Kỳ 2: Chính sách nhiều nhưng khó thực thi
Suốt một thời gian dài, dù
có nhiều chính sách, chiến lược được đưa ra để đổi mới và phát triển nông nghiệp
ĐBSCL, nhưng chuyện thực thi lại đang trên đà “ngoắc ngoải”.
“Điểm nghẽn” sau thu hoạch
Hiện nay, Việt Nam vẫn chủ yếu
bán gạo ra thị trường, trong khi có những sản phẩm sau gạo có thể làm tăng giá
trị lại chưa được sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế,
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - cho biết: Trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ
KHKT, ĐBSCL có những
bước tiến đáng kể trong sử dụng giống tốt, quy trình canh tác, gieo sạ. Tuy nhiên, vấn đề xử lý sau
thu hoạch đến nay lại là một “điểm tối”. “Chúng ta đang thiếu đầu tư những tiến
bộ KHCN, bao gồm công nghệ và thương hiệu của sẩn phẩm. Việc này nông dân không
thể tự làm, mà rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía”.
Cánh đồng lớn ở ĐBSCL |
Ông Nguyễn Thể Hà - Chủ tịch CLB
hỗ trợ nông gia ĐBSCL - phân tích, việc tập trung cho công đoạn sau thu hoạch
hiện nay quá kém, lúa gạo thường bị thất thoát 25%, chủ yếu do nguồn vốn lưu
động thu mua yếu, máy sấy cũng yếu, kho chứa lúa không đáp ứng đủ, dẫn đến
không sấy lúa kịp và tồn trữ kịp. Thu mua theo mùa nhưng gạo bán quanh năm,
trong khi việc tạm trữ chỉ theo chính sách chứ không tạm trữ “căn cơ”. Ở đây,
tạm trữ là tạm trữ gạo, mà chỉ 3 tháng là gạo mất giá, còn lúa tạm trữ trong
kho dưới 14 độ vẫn giữ nguyên chất lượng và bán có giá, cho nên phải tạm trữ
căn cơ, phải coi vụ mùa là khi bán ra gạo chứ không phải vụ mùa là sau khi bán
lúa. “Do thiếu máy móc trong canh tác, chế biến, thiếu công nghệ bảo quản, tồn
trữ khiến sức cạnh tranh của nông sản yếu, bán giá thấp, dẫn đến việc nông dân
cứ được mùa mất giá và nghèo mãi” - ông Hà đúc kết.
Tính chưa đúng, chưa đủ…
TS Lê Văn Bảnh - nguyên Viện
trưởng Viện lúa ĐBSCL - cho rằng: Hàng hóa nông nghiệp hiện nay kém chất lượng,
giá thành sản xuất cao và không ổn định dẫn đến khó cạnh tranh ngay ở thị
trường trong nước. Sản xuất nông nghiệp cũng kém bền vững vì xuất khẩu tăng
nhưng giá trị không cao, thu nhập nông dân thấp. Còn ông Trần Hữu Hiệp nêu thực trạng: “Hiện
nay, chúng ta có chú ý đến chuyện hỗ trợ kho, xưởng tạm trữ gạo, nhưng thực tế
lại rất bất cập. Những hỗ trợ này nông dân không hưởng, chỉ nhằm vào DN, nhưng
khi hỏi các DN, họ lại nói không được hưởng gì, chủ yếu DN trong hệ thống Nhà nước được hưởng”.
Thời gian qua, cũng có những chính
sách tốt được ban hành, điển hình như việc hỗ trợ tín dụng cho vay theo chuỗi
giá trị sản phẩm. Mới đây, có quy định HTX được cho vay tiền tỉ, nhưng trên
thực tế các ngân hàng lại không có nguồn tiền để cho vay, điều kiện thực thi
không có. “Chúng ta nói có ưu đãi này ưu đãi kia nhưng lại không có tiền, hoặc
giao lại cho địa phương, nhưng những địa phương nghèo không thể thực hiện,
không cân đối được nguồn thu” - ông Hiệp nói.
Còn theo GS Võ Tòng Xuân, có một
thực trạng rất dễ nhận ra là nông nghiệp đang phát triển theo kiểu mạnh ai nấy
làm. Nông dân muốn trồng gì thì trồng, chặt gì thì chặt, còn DN không đầu tư
“chất xám”, chỉ dựa vào đội quân thương lái đi thu mua lúa gạo. Trong khi các
thương lái này chỉ gom sao cho đủ số lượng, không phân biệt đó là loại gì, rồi
mang về trộn chung với nhau. Chính cách làm ăn lạc hậu này khiến nhiều nước dè
dặt khi tiếp cận với mặt hàng lúa gạo Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét