Các bảo tàng này đã phát huy tác dụng tích cực đối với cuộc sống góp phần bảo lưu, gìn giữ và nhân lên giá trị văn hóa dân tộc được đông đảo người tham quan mến mộ và khâm phục, học tập đem lại những giá trị văn hóa và kinh tế thực sự. Song dường như có một đất trống, không muốn nói là khiếm khuyết chúng ta chưa có một Bảo tàng Nông nghiệp để bảo lưu, tôn vinh, phát huy những giá trị văn minh vật chất mà người Việt đã sáng tạo hơn 4000 năm qua.
Nguyễn Hữu Ngôn
Nguyễn Hữu Ngôn
(Toquoc)- Một đất nước có tới 90% dân số là nông dân, là xứ sở của nền văn minh lúa nước, đầy tiềm năng về kinh tế nông nghiệp, hiện đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã ghi đậm dấu ấn đóng góp vô bờ bến của người nông dân. Vì lẽ đó, cũng đã là muộn khi nghĩ đến công trình xây dựng một Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam.
Đông Nam Á là khu vực điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp, trong đó Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi bậc nhất với 90% dân số là nông dân mà ngành nghề chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Việt Nam được xem là đất nước đầy tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, là quốc gia góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam có thể triển khai theo hai nội dung lớn: Văn minh vật chất nông nghiệp Việt Nam và Văn hóa nông nghiệp Việt Nam
Chúng ta có chung niềm tự hào là xứ sở của nền văn minh lúa nước, mảnh đất đã sản sinh ra nền văn học dân gian phong phú, làm nên trí tuệ folklore, sản sinh ra biết bao pho sử thi, thần thoại, truyền thuyết, những điệu dân ca, dân vũ lôi cuốn say đắm lòng người, vô vàn những tác phẩm văn học thấm đẫm hồn quê, tình quê. Chúng ta có thể khẳng định rằng nông dân Việt Nam góp phần quan trọng làm nên văn hóa Việt Nam. Một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa đảm bảo được sự giao thoa văn hóa với văn hóa nhân loại vừa chống được sự xâm thực của văn hóa ngoại lai tiêu cực.
Nội dung Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam chính là việc sử dụng sức mạnh của các hiện vật gốc được tổ chức một cách có hệ thống theo thời gian lịch sử và có quy mô cấp quốc gia. Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam có thể triển khai theo hai nội dung lớn: Văn minh vật chất nông nghiệp Việt Nam và Văn hóa nông nghiệp Việt Nam.
Văn minh vật chất nông nghiệp Việt Nam đề cập đến kỹ thuật, phản ánh phương thức sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Đơn cử một vài hệ thống: Đó là hệ thống các công cụ sản xuất bao gồm: công cụ làm đất (cày, bừa, cuốc, mai, vồ...), công cụ làm cỏ (các loại cào. dao phạt, liềm...), công cụ thủy lợi: (gàu giai, gàu sòng, kênh mương, cọn nước, đê điều...), công cụ chế biến sản phẩm: (các loại cối xay, cối giã, các loại nồi, chõ, niếng...), công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm: đồ sành, gốm, sứ (hệ thống vò, âu, ang, vại, chum, kiệu...), sản phẩm của các ngành nghề, các làng nghề (sản phấm đan lát, nghề đúc, nghề mộc, nề...).
Văn hóa nông nghiệp Việt Nam là sự kết tinh những giá trị truyền thống nông nghiệp như sự hình thành tồn tại của làng xã, của văn hóa làng, in dấu trong các thiết chế văn hóa, trong văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống: lễ hội cầu mưa, lễ tịch điền, lễ hội bánh chưng, bánh giầy, lễ hội nấu cơm thi... là cách chế biến lương thực, thực phẩm, là văn hóa ẩm thực Việt Nam... Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam ở giác độ này cần một cách thể hiện thông minh sinh động: qua các tác phẩm viết về nông nghiệp, các cách trình diễn, sân khấu hóa, điện ảnh hóa...
Các hiện vật được giới thiệu ở cả hai chiều: chiều không gian và chiều thời gian của đời sống vật chất. Chiều không gian là sự tương đồng, tương tác giữa đồ vật và người sử dụng. Chiều thời gian là các lớp vật chất qua các thời kỳ, các triều đại, thể hiện phong cách dấu ấn cuả thời đại sinh ra nó. Trước thế kỷ 19 thế giới vật chất của người Việt hoàn toàn nằm trong sản xuất thủ công và nông nghiệp và hoàn toàn sinh ra từ đời sống nông nghiệp. Cần hiểu sâu: văn minh không phụ thuộc vào trình độ phát triển của kỹ thuật mà phụ thuộc vào mức độ nhân văn. Văn minh vật chất của người Việt Nam khác phương Tây, khác láng giềng Trung Quốc và tự thân nó để lại dấu ấn Việt Nam sâu đậm.
Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam xét về thể loại phải là bảo tàng tổng hợp: bảo tàng lịch sử nông nghiệp Việt Nam, bảo tàng văn hóa và bảo tàng nhân học. Cách làm này sẽ đem lại giá trị phản ánh trung thực và gây được tác động và hiệu quả to lớn.
Chúng ta đều biết rằng: Bảo tàng của một quốc gia là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy những giá trị di sản văn hóa quí báu của quốc gia, bảo tàng còn là nơi các nhà nghiên cứu khoa học tìm đến để khai thác các cứ liệu khoa học với mục đích nghiên cứu, tìm hiểu, truyền bá văn hoá, khoa học, lịch sử. Là nơi để khách tham quan du lịch thoả mãn những hiểu biết sâu sắc về lịch sử ra đời hình thành cũng như những giá trị văn hoá lịch sử, nhất là những gì đã thuộc về quá khứ. Đất nước chúng ta đã có Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Dân tộc học... cùng hệ thống bảo tàng các tỉnh, thành phố và các bảo tàng quân chúng, binh chủng....
Để Bảo tàng Nông nghiệp ra đời, phát huy tác dụng, thực sự là nơi bảo quản, lưu giữ tốt nhất, đầy đủ nhất, hệ thống nhất, là địa điểm hấp dẫn của du lịch trong nước và quốc tế, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế văn hoá của quốc gia là một vấn đề lớn cần sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và năng lực trình độ mọi mặt của cơ quan bộ, cục, vụ, viện, ban ngành hữu quan và nhất là hai Bộ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của những người trực tiếp làm công tác bảo tồn, bảo tàng cả nước. Cao hơn thế phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là vai trò của tổ chức đảng các cấp. Vấn đề đặt ra từ thực tiễn là làm thế nào để những giá trị văn minh vật chất quí hiếm của người Việt phát huy được giá trị hiện thực, góp mặt với đời sống xã hội hôm nay và mai sau. Lại tránh được nguy cơ bị chôn vùi, bị hư hỏng, mất mát, thất thoát, do sự biến đổi khôn lường của thiên nhiên và ngay cả sự vô tâm của con người.
Theo các nhà nghiên cứu, từ những năm bốn mươi, đất nước chúng ta đã có 5 Bảo tàng to lớn về qui mô và giá trị hiện vật và có những tác động mạnh mẽ tích cực đối với đời sống xã hội: Bảo tàng Lịch sử (nhà bác cổ), Bảo tàng Thanh Hoá (bác cổ Thanh Hoá), Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Huế và Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh (trong khu Thảo Cầm viên). Song tính đến thời điểm hiện nay có Bảo tàng đã lùi về vị trí hết sức khiêm tốn trong khi các Bảo tàng khác đang lên ngôi và tiến nhanh về phía trước thu hút một lực lượng lớn khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và mang lại những giá trị vô cùng to lớn cho sự phát triển kinh tế của nơi nó toạ lạc.
Bảo tàng tư nhân cũng đã xuất hiện và hứa hẹn nhiều đổi mới, thể hiện rõ nét xu hướng xã hội hóa văn hóa và cũng đang đặt ra những thách thức mới, những đối trọng so sánh với bảo tàng nhà nước. Nhìn nhận khách quan điều này sẽ thấy rõ công tác bảo tồn, bảo tàng của chúng ta đã được quan tâm đạt được những thành tựu nhưng chưa đúng mức, chưa xứng tầm và vô tình đã làm giảm giá trị đối với đời sống xã hội. Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng có chủ trương từ cấp vĩ mô để bắt tay ngay vào xây dựng đề án, quy hoạch điạ điểm hệ thống, mạng lưới, tổ chức quản lý, tổ chức sưu tầm, phân tích, tổ chức đánh giá, hội thảo khoa học bàn định phương pháp, cách thức, nhìn nhận giá trị văn minh vật chất đó xem những gì là cần thiết, cấp bách đưa vào Bảo tàng trước và sau theo trình tự.
Phải đặt vấn đề xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp có qui mô, có vị thế trong nước và khu vực và thế giới như một mục tiêu hướng tới của Việt Nam trong những năm tới. Từ trong nhận thức phải xem Bảo tàng Nông nghiệp như một thiết chế văn hoá có vai trò đặc biệt, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế và ở trong xu thế coi văn hoá là cầu nối quan trọng để phát triển kinh tế. Bảo tàng Nông nghiệp ra đời sẽ đáp ứng phục vụ hiệu quả cho chủ trương phát triển du lịch- như là một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Bảo tàng Nông nghiệp ra đời là rất đúng với đường lối của Đảng và Nhà nước nhất là khi Đảng và Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Đất Chín Rồng
Nhãn:
Đất Chín Rồng
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
TKS Vụ trưởng vẫn nhớ ông anh lọm khọm này.
Trả lờiXóa