Huỳnh
Xây – Hồng Cẩm
Tối
29.6, Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015 ( Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp Bộ
VHTTDL tổ chức) đã khai mạc tại TP.Cần Thơ. Sáng cùng ngày, hội thảo “Liên kết
phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL” đã được tổ chức.
Trùng lặp tour,
tuyến khiến khách nhàm chán
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu
phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), từ năm 2006 đến nay, tình trạng hoạt
động du lịch của ĐBSCL vẫn không có gì thay đổi. Số khách du lịch đến và tổng
thu nhập du lịch của vùng còn thấp. Cụ thể như năm 2013, toàn vùng đón được
trên 1,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chỉ bằng 8,3% tổng lượt khách du
lịch quốc tế đi lại trong cả nước) và trên 9,8 triệu lượt khách du lịch nội địa
(bằng 5,8% tổng số khách du lịch nội địa của cả nước). Theo đó, tổng thu nhập
từ du lịch của vùng đạt 5.144 tỷ đồng (bằng 2,7% tổng thu nhập du lịch cả
nước).
Du khách quốc tế tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây
Trên thực
tế, du lịch ĐBSCL còn nhiều bất cập bởi sự trùng lặp trong phát triển tour,
tuyến du lịch. Các sản phẩm du lịch (du lịch sông nước, du lịch miệt vườn, tìm
hiểu di sản, văn hoá…) còn kém hấp dẫn và không rõ tính đặc thù giữa các địa
phương. Ông Lê Thanh Phong – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL
thông tin: “TP.Cần Thơ có chợ nổi, Hậu Giang cũng có chợ nổi. Tuy hình thức
giống nhau, nhưng mỗi nơi vẫn có nét đặc thù riêng. Tuy nhiên, các địa phương
chưa biết khai thác để tạo nét đặc sắc, thu hút du khách, dẫn đến nhàm chán”.
Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ
Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) nhận định: “Tiềm năng du lịch vùng còn chưa
khai thác có hiệu quả. Phát triển du lịch chỉ mới thể hiện ở tầm nhìn, còn
thiếu nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa. Cách làm du lịch còn mang nặng
tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết”.
Cần chú ý sản
phẩm du lịch nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy
Biên cho rằng: “Hiện vùng ĐBSCL có nhiều loại hình du lịch, có các lễ hội,
phong tục độc đáo và đặc biệt là đờn ca tài tử - di sản văn hoá phi vật thể
được UNESCO công nhận. Thời gian qua, du lịch ĐBSCL đã tạo việc làm và góp phần
to lớn trong việc nâng cao đời sống người dân, cho xã hội phát triển”.
Thứ
trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên: Tới đây,
để phát triển du lịch, vùng ĐBSCL cần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du
lịch, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, giữa các địa phương cần đẩy mạnh
liên kết cùng phát triển .
Theo các
đại biểu, thời gian tới cần tập trung thực hiện đề án xây dựng sản phẩm du lịch
đặc thù vùng ĐBSCL (Bộ VHTTDL phê duyệt ngày 23.1.2015). Trước mắt, trong giai
đoạn 2015-2017, sẽ triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng và cải tạo cơ sở
vật chất (bảo tàng lúa ĐBSCL tại Vĩnh Long, bảo tàng Khmer tại Trà Vinh, đóng
tàu ngủ đêm trên sông), đào tạo nhân lực (kỹ năng du lịch cộng đồng, hình thành
các tuyến tham quan, liên kết Vườn quốc gia U Minh Hạ, U Minh Thượng, Tràm
Chim, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen), quảng bá và xây dựng thương hiệu
nông sản, sản vật, xây dựng website về sản phẩm du lịch đặc thù…
Ông Trần Hữu Hiệp nhận định: Để
“Thế giới sông nước Mekong” phát triển mạnh về du lịch thì đề án xây dựng sản
phẩm du lịch đặc thù trên cần thực hiện nhanh. Đây chính là một việc làm cụ thể
trong chiến lược du lịch và Đề án “Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020”.
Theo GS-TS
Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, một trong những điểm
nhấn của vùng ĐBSCL là nông nghiệp, vì vậy trong quá trình triển khai đề án xây
dựng sản phẩm du lịch đặc thù, cần chú ý khai thác, hướng dẫn du khách tham
quan đi xuyên qua các cánh đồng lúa, các vườn cây ăn trái, vườn cò, vườn dơi,
vùng nuôi cá bè... Và để du khách “đến một lần rồi đến nữa” thì cần có chương
trình du lịch miễn visa, chấm dứt tình trạng “làm giá, chặt chém”, ăn xin, móc
túi, đảm bảo an toàn giao thông và giữa vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt
là lịch sự, tôn trọng khách.
Nhận xét
Đăng nhận xét