VH- Ngày
29.6 tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng Bộ VHTTDL và UBND TP
Cần Thơ tổ chức Hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL năm
2015 với sự tham gia của đại diện sở, ngành du lịch các tỉnh, thành khu vực
phía Nam, đông đảo các đơn vị lữ hành trong cả nước...
Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ
Dương Quốc Xuân và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì sự kiện.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du
lịch VN, thời gian qua hoạt động du lịch ĐBSCL phát triển khá sôi động với tốc
độ tăng trưởng bình quân năm luôn đạt trên hai con số. Năm 2014, cả vùng đã đón
22,4 triệu lượt khách, trong đó có 1,83 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu nhập
của ngành đạt khoảng 6.360 tỉ đồng, tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho xã hội,
góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Cần huy động các nguồn
lực xã hội hóa để phát triển hạ tầng du lịch
Với chủ đề “Miền Tây xanh”, đêm
29.6, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Lễ khai mạc Tuần lễ du lịch xanh vùng ĐBSCL
2015 .
Phát biểu tại chương trình, Phó
Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Văn Ninh cho rằng vùng
ĐBSCL cần quan tâm phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chất lượng, hiệu
quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng các sản phẩm du lịch
mang tính đặc trưng thuộc thế mạnh của vùng như: du lịch sinh thái, biển đảo,
sông nước miệt vườn, nghỉ dưỡng kết hợp với hội thảo, hội nghị, triển lãm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần
có giải pháp huy động nguồn lực xã hội và đóng góp của người dân cho phát
triển hạ tầng du lịch, bảo đảm số lượng, chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn
khu vực và thế giới; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát
triển đội ngũ những người làm công tác du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, lấy
sự hài lòng của du khách là thước đo của chất lượng phục vụ…
|
Dù đạt được những kết quả khả
quan, ĐBSCL đang phải đối mặt với những vấn đề như ô nhiễm môi trường, suy giảm
tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý du lịch vùng còn gặp
nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ; đặc biệt công
tác đầu tư vào các sản phẩm du lịch xanh chưa cao, liên kết xúc tiến quảng bá
du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp và Nhà nước chưa hài hòa, thống nhất…
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ
đạo Tây Nam Bộ, để du lịch xanh ĐBSCL phát triển mạnh, trong thời gian tới các
cơ quan ban, ngành cần phối hợp liên kết để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề
án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL. Trong đó, đề xuất chọn 3 vấn đề đột phá như xây dựng cơ
chế chính sách điều phối liên kết, tạo nguồn lực vật chất đầu tư và phát triển
nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời kiến nghị cần sớm thành lập Văn phòng Ban chỉ
đạo, điều phối phát triển du lịch ĐBSCL, tiến tới xúc tiến hình thành Quỹ phát
triển du lịch vùng; xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với lộ trình và những
vấn đề cần ưu tiên thực hiện trong năm 2015, 2016; kết nối thị trường du lịch,
tìm hiểu nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các cụm
du lịch.
Trong khi đó ông Lê Minh Sơn, PGĐ
Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho rằng, đã đến lúc phải đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp
chặt chẽ giữa điểm đến tại các địa phương với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
lữ hành, khách sạn và các khu, điểm du lịch; tăng cường tuyên truyền và phổ
biến kiến thức phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường cho du khách và
người dân, hướng tới hạn chế những tác động tiêu cực của hoạt động phát triển
đến tài nguyên và môi trường vùng.
Đáng chú ý, nhiều đại biểu kiến
nghị cần ưu tiên tận dụng đặc điểm cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa đặc
thù để triển khai hàng loạt các loại hình du lịch thân thiện tại ĐBSCL như sinh
thái, du lịch cộng đồng, hành trình “Mùa nước nổi”, khám phá dòng Mekong…; chú
ý lồng ghép khéo léo loại hình văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử vào các hoạt
động du lịch của vùng như một “đặc sản”.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban
tổ chức cũng nhận được nhiều ý kiến của đơn vị lữ hành đề xuất các cơ quan ban
ngành địa phương của khu vực ĐBSCL cần quan tâm hơn nữa công tác đầu tư cơ sở
hạ tầng, nâng cấp cơ sở lưu trú, ăn uống, xây dựng thêm các nhà vệ sinh đạt
chuẩn tại các khu du lịch, tăng cường công tác bảo tồn cảnh quan thiên nhiên…
từng bước tạo điểm nhấn ấn tượng và thu hút khách, ngày một nâng cao khả năng
cạnh tranh của du lịch ĐBSCL với các khu vực trong nước và quốc tế.
Kêu gọi đầu tư vào 62 dự án du lịch
xanh
Sáng qua, 30.6, trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch xanh ĐBSCL 2015, Ban chỉ
đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng Bộ VHTTDL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên
và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị xúc
tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL 2015. Phó Thủ tướng Chính
phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì sự kiện.
Với sự tham gia của gần 700 đại biểu, chuyên gia du lịch trong và ngoài
nước, tại hội nghị, nhiều ý kiến đã chỉ rõ công tác thu hút đầu tư vào lĩnh
vực du lịch xanh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn như thiếu chính sách cụ
thể để khuyến khích đầu tư phát triển du lịch xanh, quy trình thủ tục hành
chính đầu tư vào du lịch xanh còn chưa đơn giản, các quy hoạch du lịch xanh nhiều
nơi còn hạn chế…
Tại Hội nghị đã có 3 ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng nguyên tắc về
phát triển du lịch xanh cho 3 dự án du lịch xanh tại Kiên Giang, Cần Thơ với
tổng vốn cho vay hơn 1.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Ban tổ chức Tuần lễ du lịch
xanh kêu gọi, vận động các đơn vị đầu tư vào 62 dự án trọng điểm thuộc lĩnh
vực du lịch xanh của vùng với số tiền 11.862,5 tỉ đồng và 714,9 triệu USD.
|
Khải Hoàn
Nhận xét
Đăng nhận xét