Chúc Ly
(Dân Việt) Đề án thí điểm hoàn
thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 với mục
tiêu xây dựng được các mô hình HTX kiểu mới gắn sản xuất với tiêu thụ trong các
chuỗi giá trị nông sản và có khả năng nhân rộng ở các tỉnh, thành ĐBSCL.
Hôm qua (14.7), tại Hậu
Giang, Bộ NNPTNT phối hợp Bộ KHĐT, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, Ban chỉ
đạo Tây Nam Bộ, UBND các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức Hội nghị triển khai Đề án
thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn
2016-2020.
Tăng lợi ích cho nông dân
Theo Bộ NNPTNT, hiện toàn
vùng ĐBSCL có 1.242 HTX nông nghiệp (trong đó có 38% HTX có hiệu quả hoạt động
khá, 30% HTX trung bình và 32% HTX yếu kém). Đề án đặt mục tiêu củng cố và phát
triển khoảng 300/1.242 (chiếm 30%) HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trong
3 lĩnh vực- lúa gạo-trái cây-thủy sản; tập trung thí điểm hoàn thiện mô hình
HTX, Liên hiệp HTX với các thành viên là HTX thành viên và các hộ nông dân,
thực hiện từ 2016-2020.
Cụ thể, đối với mỗi loại
mô hình thí điểm cần thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm
2016-2017): Thí điểm hoàn thiện mô hình HTX; giai đoạn 2 (từ năm 2017- trở đi):
Thí điểm hoàn thiện mô hình Liên hiệp HTX lúa gạo quy mô tỉnh; giai đoạn 3
(từ 2018- 2020 và sau đó): Thí điểm hoàn thiện mô hình Liên hiệp HTX lúa
gạo, trái cây, thủy sản quy mô vùng.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn –
Vụ trưởng Vụ HTX, Bộ KHĐT, sau 2 năm hoạt động kể từ ngày hoàn thành việc xây
dựng mô hình thí điểm, Bộ NNPTNT sẽ cùng Bộ KHĐT phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam
Bộ, các cơ quan liên quan, các địa phương trong vùng sơ kết, đánh giá, rút kinh
nghiệm, đồng thời xây dựng phương án nhân rộng trong phạm vi toàn vùng và cho
cả nước.
Không nên “hành chính hóa”
các HTX
Chia sẻ tại hội nghị, ông
Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Quá trình
chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 vẫn còn gặp một số khó khăn như: Nhận
thức của cán bộ và người dân về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế HTX trong
sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa sâu sắc. Nhiều HTX còn lúng túng trong định
hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chưa có sản phẩm
dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ
giữa HTX và các thành viên…”.
“Nghị định 55 về chính
sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định không yêu cầu
có tài sản thế chấp nhưng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy
xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các HTX không thể
tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Vì thế, đề nghị các HTX nông nghiệp nên
xem xét phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả để cho vay” – ông Đồng đề
xuất.
Ông Lê Đức Thịnh – Phó Cục
trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) thông tin:
“Trong thí điểm củng cố các HTX, việc phát triển, mở rộng liên kết sản xuất và
đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản là nội dung quan trọng. Phải làm
sao tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa HTX với các doanh
nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng phát triển vùng nguyên liệu,
cánh đồng lớn; hỗ trợ quảng bá thương hiệu, nhãn mác sản phẩm; gắn kết các
chương trình khuyến nông, chương trình đào tạo nghề, mô hình thực hành nông
nghiệp tốt”.
Về vấn đề này, ông Trần
Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: “Về số lượng HTX được lựa chọn để
làm thí điểm, trong các cuộc họp chuyên ngành sắp tới sẽ tiếp tục bàn. Tuy
nhiên, bao nhiêu cũng phải làm chắc và có hiệu quả. Về vấn đề đào tạo nguồn
nhân lực ở các HTX thí điểm, chúng tôi đề xuất đào tạo gắn với kỹ sư khuyến
nông ở cơ sở. Bên cạnh đó, không nên chọn cán bộ xã về làm cán bộ quản trị HTX
vì chúng ta không nên hành chính hóa HTX, mà phải chính xác với thực tế người
nông dân.
“Quyết định triển khai Đề án
xây dựng HTX kiểu mới phải được gắn với quyết định liên kết vùng và thực hiện
liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời phải suy nghĩ đến ý tưởng thí điểm mô
hình các chợ đầu mối, trên cơ sở vùng sản xuất để làm một chợ đầu mối đảm bảo
cung ứng đầu vào, đầu ra cho sản xuất” – ông Trần Thanh Nam nói.
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc
Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang:“6 không” nên khó vay
Các HTX nông nghiệp khó tiếp cận
được các nguồn vốn từ các ngân hàng, tuy ngành ngân hàng cũng rất muốn cho
HTX vay vốn nhưng đa số các HTX không đáp ứng được các yêu cầu. Hiện nay các
HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng “6 không” nên không thể vay vốn, đó là:
Không có trụ sở, vốn điều lệ quá nhỏ coi như không vốn, không có phương án
sản xuất kinh doanh, không có sổ sách ghi chép, không hợp đồng bao tiêu và
không có uy tín.
Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy
viên chuyên trách kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Chọn
sản phẩm theo điều kiện đặc thù địa phương
Việc chọn lựa 3 dòng sản phẩm chủ
lực là lúa gạo, thủy sản và trái cây để thực hiện là hợp lý, tuy nhiên, tùy
vào điều kiện đặc thù của từng địa phương có thể sẽ lựa chọn những dòng sản
phẩm khác. Việc lựa chọn số lượng HTX để thực hiện thí điểm, tôi rất đồng
tình với việc chúng ta phải tổ chức khảo sát, đánh giá trên cơ sở tự nguyện
làm. Thứ 2 là xét tới điều kiện cơ sở sản xuất của địa phương có đáp ứng với
yêu cầu của ngành hàng đó không. Thứ 3 là sự quyết tâm của địa phương và sự
sẵn sàng của các ngành.
Chúc Ly (ghi
|
Nhận xét
Đăng nhận xét