QĐND - Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng mở ra nhiều
cơ hội cho xuất nhập khẩu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên,
để đẩy mạnh xuất khẩu trong tình hình hiện nay đòi hỏi các cấp, các ngành chức
năng cần kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; đa dạng
hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp mang tính
chiến lược.
Nhiều khó khăn trong xuất
khẩu
Trong những năm gần đây,
các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch
xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. ĐBSCL hiện đóng
góp gần 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản,
90% sản lượng gạo xuất khẩu. Hai mặt hàng chính góp phần lớn vào kim ngạch
xuất khẩu chung của ĐBSCL là thủy sản và lúa gạo. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu
chưa thật sự bền vững và tương xứng với lợi thế, tiềm năng vốn có.
Thống kê 6 tháng đầu năm
2016, ĐBSCL đã xuất khẩu 2,65 triệu tấn gạo, giảm 1,99% so với cùng kỳ năm
ngoái. Theo Hiê%3ḅp hô%3ḅi Lương thực Viê%3ḅt Nam (VFA), 6 tháng cuối năm ĐBSCL
dự kiến xuất khẩu 3 triệu tấn, giảm 14% so với năm 2015. Riêng mặt hàng thủy
sản có chiều hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015. Các mặt hàng xuất khẩu tập
trung vào 3 thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, với 2 mặt hàng có
tỷ trọng áp đảo là thủy sản và gạo. Đây cũng là những nền kinh tế hàng đầu thế
giới, nhưng các rào cản thương mại, kỹ thuật cũng rất cao. Áp lực từ thị trường
nhập khẩu, cạnh tranh về giá, hàng rào phi thuế quan, thuế chống bán phá giá…
cùng với những biến động của thị trường thế giới là những thách thức lớn đối
với tình hình xuất nhập khẩu của ĐBSCL.
Về mặt hàng lúa gạo, theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên
trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhìn chung, sản xuất lúa gạo của nông dân ĐBSCL
vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Chuỗi giá trị lúa gạo vẫn còn nhiều khâu trung
gian và phụ thuộc lớn vào thương lái… Theo ông Huỳnh Thế
Năng, Tổng giám đốc Vinafood II, Chủ tịch VFA: “Thách thức mà ĐBSCL gặp phải
trong xuất khẩu lúa gạo hiện nay là do thị trường lúa gạo thế giới ngày càng
cạnh tranh gay gắt, nhất là chính sách tự túc lương thực của các quốc gia nhập
khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a... Trong khi
đó, tổ chức sản xuất ở ta lại chậm đổi mới, cơ sở hạ tầng nông thôn, hậu cần
(logistics), dịch vụ, khoa học-công nghệ phục vụ sản xuất còn bộc lộ nhiều yếu
kém”.
Với mặt hàng thủy sản,
ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)
nhận định: “Xuất khẩu thủy sản thời gian qua còn bị ảnh hưởng nặng nề do các
rào cản kỹ thuật và vấn đề bảo hộ ngành hàng của nước nhập khẩu. Nhất là cá tra
và tôm vào thị trường Mỹ, Nhật, EU… Ngoài ra, điểm yếu trong xuất khẩu thủy sản
của ĐBSCL là chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích trong chuỗi
giá trị ngành hàng, từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ. Bên cạnh
đó, sản phẩm chế biến còn đơn điệu; nhiều doanh nghiệp chưa thiết lập được hệ
thống phân phối sản phẩm tại các thị trường nước ngoài; công tác xúc tiến
thương mại, xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức;
tác động của các chính sách vĩ mô như tiền tệ, thuế...”.
Đổi mới sản xuất, đẩy mạnh
liên kết
Để nâng cao giá trị xuất
nhập khẩu tại ĐBSCL, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục đầu tư nâng cao chất
lượng sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng gạo và thủy
sản là rất cần thiết. Bởi đây là những mặt hàng chiến lược về lợi thế vùng
ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian tới cần lưu ý chuyển từ xuất khẩu "thô"
sang đầu tư chế biến sâu cho các mặt hàng gạo và thủy sản để mang lại giá trị
cao; đồng thời tăng cường xuất khẩu các sản phẩm khác mà vùng ĐBSCL có lợi thế,
nhất là trái cây tươi, các loại rau quả, nông sản chế biến.
Cũng theo ông Trần Thanh
Hải, việc tìm giải pháp xuất khẩu cho nhóm hàng nông, thủy sản đòi hỏi hệ thống
các giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương,
các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. “Trong thời
gian tới, ĐBSCL cần tập trung thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Tăng cường
quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhất là công tác bảo đảm an
toàn vệ sinh thực phẩm nông, thủy sản, phát triển thị trường xuất khẩu, kịp
thời cập nhật các thông tin tại các thị trường và cung cấp tới các doanh nghiệp
để có phương án đa dạng và nâng cao giá trị sản phẩm theo đúng thị hiếu, nhu
cầu tại các thị trường”, Ông Hải cho biết.
Nhận định về tình hình
xuất khẩu gạo ở ĐBSCL thời gian qua, ông Huỳnh Thế Năng cũng cho rằng: “Các
doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ trong xuất khẩu gạo nhằm tăng tính
cạnh tranh trên thị trường thế giới; đồng thời phải có sự can thiệp của Nhà
nước thông qua việc hỗ trợ sản xuất lúa, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi,
cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và ký kết hợp đồng nông
sản…”.
Đưa ra những giải pháp ngắn, trung và dài hạn cho tình hình xuất nhập khẩu tại ĐBSCL, cũng theo ông Trần Hữu Hiệp, ĐBSCL cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nguồn cung nguyên liệu, vốn kinh doanh, xuất khẩu; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại… “Một thời gian dài, chúng ta mải mê với ngôi vị “cường quốc xuất khẩu gạo thô” vốn có rất ít giá trị gia tăng, trong khi nhiều quốc gia kém lợi thế hơn đang chọn con đường sáng tạo là phát triển các ngành công nghiệp sau gạo như thực phẩm tiêu dùng gồm: Dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng... hay ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản... Đã đến lúc ĐBSCL phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp phụ trợ, hình thành các ngành công nghiệp mới sau gạo và tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu...”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Bài và
ảnh: THÚY AN
Nhận xét
Đăng nhận xét