Trần Hữu Hiệp
(TBKTSG) - Một báo cáo gần đây của
tổ chức phi chính phủ quốc tế - Oxfam International, được trích dẫn: 1% dân số
thế giới hiện nắm nhiều tài sản hơn 99% dân số còn lại. Tài sản của 62 người
giàu nhất thế giới trị giá khoảng 1.760 tỉ đô la Mỹ, bằng tổng số tài sản một nửa
dân số thế giới. Năm năm qua, giá trị tài sản của 62 người này đã tăng lên 44%,
ngược lại tổng tài sản của 3,5 tỉ người nghèo trên thế giới giảm xuống 41%.
“Dân giàu, nước mạnh” là mục tiêu
của các quốc gia trên thế giới. Làm giàu chính đáng rất cần được khuyến khích.
Loài người vẫn đang phấn đấu cho một thế giới khá giả hơn, giàu có hơn, nhưng
quan trọng hơn là dân chủ, công bằng. Tất nhiên, những khái niệm đó, tùy lúc,
tùy nơi, có nội hàm khác nhau, nhưng bất bình đẳng giàu - nghèo không phải là
mong đợi của một xã hội văn minh.
Chênh lệch giàu - nghèo là một thực
tế. Nó vẫn đang tồn tại, đáng lo ngại hơn khi khoảng cách đang gia tăng với tốc
độ nhanh. Vẫn theo Oxfam, ước có khoảng 7.600 tỉ đô la Mỹ của những người giàu
hiện đang được cất giấu ở các thiên đường thuế. Chỉ riêng việc “đánh thuế công
bằng”, các chính phủ có thể thu về khoảng 190 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, gần bằng GDP
của Việt Nam. Đó sẽ là nguồn lực không nhỏ để tiếp tục thực hiện mục tiêu thiên
niên kỷ giảm nghèo của Liên hiệp quốc.
Trông người mà ngẫm đến ta. Nguồn
thu từ thuế của quốc gia chắc chắn sẽ tăng hơn nhiều, chăm lo cho người nghèo sẽ
nhiều hơn, nếu không xảy ra tình trạng “lời thật, lỗ giả” của các ông lớn đầu
tư vào Việt Nam để né thuế. Các ông chủ Thái đã nhanh chóng điều hành Big C,
khi thủ tục thuế từ thương vụ mua bán hệ thống bán lẻ thuộc loại lớn này ở Việt
Nam còn chưa hoàn tất. 500 triệu đô la Mỹ là khoản tiền đền bù được phía Formosa
nhanh chóng đưa ra sau khi bị xác định là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường,
cá chết hàng loạt ở miền Trung, nhưng số thuế mà họ đã đóng góp cho đất nước
này được bao nhiêu, vẫn còn là “lời hứa” của cơ quan chức năng.
Mặc dù đạt được thành tựu ấn tượng
về giảm nghèo, nhưng khoảng cách giàu - nghèo đang là một thách thức lớn. Chênh
lệch thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% cao nhất so với nhóm 20% thấp nhất
cả nước năm 1990 là 4,1 lần, năm 1995 là 7 lần, năm 2004 là 8,4 lần, đến năm
2010 là 9,2 lần. Mức chênh lệch này đang tăng lên khoảng 10 lần.
Nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi
nghiệp, doanh nhân hóa nông dân, rất cần được cụ thể hóa bằng hành động cụ thể,
thiết thực, phải đến được với nông dân, phải là hoạt động thực tiễn ở nông
thôn.Box phải
“Kỳ tích hạt gạo” đã đưa nước ta
từ một quốc gia thiếu lương thực, chỉ sau vài năm tham gia xuất khẩu trở lại đã
chiếm vị trí hàng đầu của một cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới. Nông dân
- phần lớn là hộ thu nhập thấp thuộc diện nghèo, cận nghèo - đã đóng vai trò
quan trọng tạo ra kỳ tích đó. Nhưng nghịch lý khi tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở
“vựa lúa miền Tây” chưa giảm tương ứng với tỷ lệ tăng sản lượng lúa được cha mẹ
chúng làm ra. Người nông dân không định được từ giá thành đến giá bán các sản phẩm
nông nghiệp của mình. Thu nhập của người tạo ra kỳ tích cho nền nông nghiệp Việt
Nam vẫn đang bấp bênh theo giá cả thị trường.
Chúng ta đang dùng thang đo
“nghèo đa chiều” thay cho “tiêu chí thu nhập” đơn điệu để tìm kiếm công bằng
hơn. Nhưng đáng lo ngại khi trong thực tế xuất hiện tình trạng “không muốn
thoát nghèo” vì những bất hợp lý trong chính sách. Khoảng cách giàu - nghèo
càng bị đẩy ra xa hơn do những nghịch lý như cơ chế vận hành Quỹ Bảo hiểm y tế
(BHYT). Người nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi, dân cư phân tán, đi lại khó
khăn nên khi có bệnh, ít được đến các cơ sở y tế điều trị. Quỹ BHYT ở những nơi
này thường kết dư lớn. Ngược lại, ở thành phố luôn bội chi Quỹ BHYT. Nghịch lý
“người nghèo bù đắp chi phí cho người giàu” trong khám, điều trị bệnh bằng BHYT
đã được mổ xẻ. Song, đó chưa phải là nghịch lý duy nhất của tình trạng “người
giàu - người nghèo”.
Nghèo đa chiều, nhưng người giàu
dường như đang đi theo một chiều: số ít không ngừng gia tăng khoảng cách, bỏ xa
số đông người nghèo. “Nghịch lý” đó đang đặt ra bài toán cần lời giải tổng thể
từ cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội, các giải pháp, cách thức thực thi. Người
nghèo cần được định vị lại cuộc mưu sinh bền vững hơn. Việc “sắp xếp lại 16
chương trình mục tiêu quốc gia trước đây thành hai chương trình mục tiêu quốc
gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới cũng nhằm hướng đến điều đó. Nhưng
thách thức vẫn còn đang ở trước mặt khi mà còn các địa phương đang “chạy theo
thành tích”, “vung tay quá trán” tiền ngân sách, huy động quá mức sức dân để “sớm
về đích nông thôn mới” trong khi người dân vẫn còn nghèo.
Cần có nhiều hơn nữa các cơ chế,
chính sách hỗ trợ người nghèo thiết thực hơn và thực thi có hiệu quả hơn. Các vấn
đề đất đai, khoa học kỹ thuật cho sản xuất
hàng hóa lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đang cần sự sửa đổi cực kỳ mạnh dạn
để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính
sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa
học kỹ thuật, rồi trộn lẫn với chính sách giảm nghèo có tính đối phó, theo đuôi
thiệt hại như vừa qua, thì rõ ràng là “không ăn thua”.
Người nông dân cần được giải
phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh. Đào tạo nghề nông nghiệp,
tập trung nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, đào tạo nghề phi nông
nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn.
Nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp, doanh nhân hóa nông dân, rất cần được
cụ thể hóa bằng hành động cụ thể, thiết thực, phải đến được với nông dân, phải
là hoạt động thực tiễn ở nông thôn.
Những đòi hỏi khắc nghiệt từ cuộc
sống luôn là bài toán khó. Nhưng với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân
chủ, công bằng, văn minh”, chúng ta không thể để tình trạng nghèo đa chiều,
giàu một chiều, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng nghiêm trọng hơn!
Nhận xét
Đăng nhận xét