TTXVN, 24/11/2017
Thanh Liêm
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban
Chỉ đạo Tây Nam bộ đã chỉ ra 4 điểm nghẽn trong đầu tư phát triển nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cơ hội
và thách thức” trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2017 diễn
ra tại Cần Thơ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ tổ
chức ngày 24/11, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban Chỉ
đạo Tây Nam bộ đã chỉ ra 4 điểm nghẽn trong đầu tư phát triển nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, nhận thức về nông nghiệp công nghệ cao và thị
trường khoa học công nghệ còn nhiều bất cập; quy hoạch không gian và yêu cầu
tích hợp trong quy hoạch phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao ở
Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều tồn tại, hạn chế; chưa có không gian đủ lớn
hoặc tiềm lực đầu tư lớn trên diện tích nhỏ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao; thị trường tiêu thụ, hệ thống tiêu thụ chưa đủ mạnh và ổn định, tiêu
chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho nông sản công nghệ cao chưa rõ ràng. Ông Trần Hữu
Hiệp cho rằng, các điểm nghẽn trên cần được nhận diện và có giải pháp khơi
thông để nông nghiệp công nghệ cao của Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát
triển.
Những
vấn đề còn tồn tại đó phải được nhận thức đúng đắn, có giải pháp khả thi, tổ
chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho
vùng để đến năm 2050 tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao chiếm trên 80% theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chinh phủ
về “Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích nghi với biến đổi
khí hậu”.
Với diện tích đất tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, dân số gần 18
triệu người, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực rộng và đông dân cư thứ hai
trong các vùng kinh tế của Việt Nam. Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp,
hàng năm đóng góp 55% sản lượng lương thực, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70%
lượng trái cây, 65% lượng nuôi thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của
cả nước. Thời gian qua, triển khai nông nghiệp công nghệ cao dù được nhiều địa
phương trong vùng quan tâm thực hiện, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế.
Đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã có 2/3 khu nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập là Khu
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp đã đề xuất 5 giải pháp
để hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công
nghệ cao hiệu quả và bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng,
theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở cung - cầu của thị trường; các địa phương
cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường mối liên kết giữa doanh
nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân và giữa người dân nhằm hình
thành mối liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phảm…
Cũng theo ông Hiệp, trong quy hoạch phát triển nông nghiệp
công nghệ cao cần tránh tình trạng mỗi địa phương tự làm, tỉnh nào cũng có khu
nông nghiệp công nghệ cao, trong khi nguồn lực đầu tư hạn hẹp, dàn trải. Nhận
định từ các chuyên gia cho thấy, hệ thộng pháp lý chưa đảm bảo chế tài đủ mạnh
bảo vệ nhà đầu tư, nhà sản xuất, ràng buộc trách nhiệm nhà thương mại về truy
xuất nguồn gốc nông sản.
Thực trạng này đang tác
động tiêu cực trở lại, ảnh hưởng xấu đến đầu tư phát triển nông nghiệp công
nghệ cao. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện nghiên cứu nông nghiệp công
nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long (HATRI) chia sẻ: Có 3 thách thức mà nhà đầu tư
vào nông nghiệp công nghệ cao đang phải đối diện: kế hoạch vốn đầu tư bao nhiêu
trong chặng đường trước mắt hoặc lâu dài, thị trường ở đâu và ai là đối tác
trong phối hợp tổ chức, quản lý.
Theo bà Lang, không phải
nhà đầu tư nào vào nông nghiệp công nghệ cao đều có thể đem lại thay đổi tích
cực, thậm chí sẽ là “thảm họa” nếu trồng trên quy mô lớn mà không có đầu ra. Do
đó, tổ chức lại sản xuất là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Trong đó, đầu tư
và phát triển khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng những công nghệ này vào
sản xuất nông nghiệp mới là nội dung cốt lõi trong tái cấu trúc nông nghiệp
Việt Nam. Do vậy, cần phải nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, trong đó tập
trung đào tạo, tập huấn kỹ thuật và chuyển giao cho doanh nghiệp, lấy doanh
nghiệp làm trung tâm trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thanh Liêm
Theo TTXVN
Nhận xét
Đăng nhận xét