Trần Hữu Hiệp
Liên hiệp châu Âu (EU)
cảnh báo: Hải sản Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này không bảo đảm quy định
IUU về nguồn gốc đánh bắt minh bạch. Sau tấm “thẻ vàng” này sẽ là hồi chuông
cảnh báo đòi hỏi một giải pháp toàn diện.
Cảng cá Bình Đại, Bến Tre |
Trong “nguy” có “cơ”
IUU (illegal, unreported
and unregulated fishing) là quy định của EU buộc nhà thương mại phải chứng minh
nguồn gốc minh bạch của hải sản khai thác nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ
mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.
Năm 2008, IUU được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua và có hiệu lực từ ngày
1-1-2010. Quy định này cũng đang được Hoa Kỳ xem xét áp dụng vào năm 2018.
Theo Tổng cục Thủy sản
(Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ
xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu bị vướng “thẻ vàng”, trong đó có sáu
quốc gia bị phạt “thẻ đỏ”. Tuy nhiên, đến nay, 10 nước được dỡ thẻ vàng, ba
nước được dỡ thẻ đỏ. Các nước vướng thẻ thường mất từ một đến hai năm để khắc
phục. Ngay cả quốc gia nông nghiệp hàng đầu như Thái-lan, dù có nhiều nỗ lực,
nhưng đã ba năm vẫn chưa được EU gỡ thẻ vàng.
Mặc dù “thẻ vàng EU” mới
chỉ là một cảnh báo được đưa ra để Việt Nam có biện pháp khắc phục mà chưa có
bất kỳ chế tài thương mại nào; nhưng nó cũng đang tác động tiêu cực đến xuất
khẩu thủy sản nước ta, dẫn đến hệ lụy 100% lô hàng xuất khẩu vào châu Âu bị
kiểm tra nguồn gốc, làm mất thời gian, chi phí và có khả năng tạo hiệu ứng
đô-mi-nô, tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ.
Bởi vậy, các doanh
nghiệp thủy sản Việt Nam cần nhanh chóng hành động thích ứng với sân chơi và
luật chơi hội nhập ngày càng khắt khe hơn. Rất cần các Bộ quản lý chuyên ngành,
Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội nghề cá, VASEP phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa hỗ
trợ cho việc đầu tư, chuyển đổi phương thức đánh bắt, chế biến và xuất khẩu
thủy sản. Và hơn cả là cần phải tạo dựng môi trường minh bạch, chủ động hội
nhập sân chơi lớn và tuân thủ luật chơi chung.
Nhìn ở góc độ tích cực,
việc EU rút thẻ vàng đối với mặt hàng thủy sản đánh bắt của Việt Nam cũng chính
là cơ hội để chúng ta đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện
hệ thống quản lý nghề cá hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội cũng
đang xem xét thông qua dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) với những quy định mới
về “Khai thác thủy sản bất hợp pháp và chứng nhận, xác nhận thủy sản có nguồn
từ khai thác” theo quy định của IUU. Thách thức và cơ hội đan xen nhau, phụ
thuộc vào kết quả của nỗ lực và hành động cụ thể.
Thị trường nội cũng có
quyền đòi hỏi?!
Việt Nam xuất khẩu hàng
hóa, đặc biệt là nông, thủy sản đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế
giới, nhưng cũng là một thị trường tiêu thụ lớn với hơn 90 triệu dân. Người
tiêu dùng Việt hoàn toàn có quyền đòi hỏi thông tin minh bạch đối với các sản phẩm
mình bỏ tiền ra mua!
Trong bối cảnh ấy, cần
ủng hộ mạnh mẽ hơn những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ
nguồn lợi thủy sản. Đã có nhiều ý kiến trái chiều khi UBND tỉnh An Giang ra
lệnh cấm và gia tăng kiểm soát việc ngư dân bắt cá linh non đầu mùa lũ năm nay
để bảo vệ loài cá đặc sản dòng Mê Công này. Song, tăng cường kiểm soát cùng với
những hỗ trợ sinh kế thiết thực cho người dân là cần thiết.
Không chỉ trong lĩnh vực
thủy sản, các quy định và điều kiện minh bạch để người tiêu dùng có quyền truy
xuất nguồn gốc nông sản đang được áp dụng ngày càng phổ biến hơn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, quyền này chỉ có thể bảo đảm thực thi khi chúng ta có nền sản xuất
được quản lý chặt chẽ theo chuỗi, từ đồng ruộng đến siêu thị và bàn ăn.
Việc ngành thủy sản nỗ
lực thoát “thẻ vàng” của EU cần được nhìn rộng hơn, trước yêu cầu chuyển đổi mô
hình phát triển. Cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường các
mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, HTX; giữa doanh nghiệp, HTX
với người dân; giữa người dân với người dân… nhằm tổ chức, hình thành mối liên
kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn. Quá trình tái cơ
cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm
tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị, và
thông tin minh bạch để bảo đảm truy xuất nguồn gốc.
Tái cơ cấu, liên kết hợp
tác và hội nhập ở ngành thủy sản vừa là yêu cầu, vừa là động lực cho giai đoạn
mới đang mở ra, chứ không chỉ là câu chuyện đối phó với IUU.
Muốn quy trách nhiệm đối
với nhà cung cấp thương mại, phải có hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy chuẩn kỹ
thuật rõ ràng và bộ máy thực thi hiệu quả.
Nhận xét
Đăng nhận xét