Can thiệp “thô bạo” vào các dòng sông sẽ phải trả giá
Trung Chánh
Một đoạn sạt lở bờ sông Tiền (photo: hiepcantho) |
(TBKTSG) - Chúng ta cần hành động như thế nào để không phải
hối tiếc về những hậu quả có thể xảy ra trong tương lai xuất phát từ việc can
thiệp “thô bạo” vào những dòng sông từ hôm nay?
Giờ đây, các dự án lấn sông, lấn biến ngày càng trở nên phổ
biến ở nước ta, cả ở Bắc, Trung, Nam. Phải chăng vì nhu cầu phát triển mà con
người ta sẵn sàng xâm hại tới môi trường thiên nhiên?
Thấy gì qua dự án công viên trái cây ở Tiền Giang?
Mới đây nhất, dự án công viên trái cây ở huyện Cái Bè, tỉnh
Tiền Giang đã bị dư luận lên tiếng phản đối và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề
nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tạm
dừng việc thi công dự án. Bộ này yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát
lại công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhất là đánh giá tác động của
dự án tới thoát lũ; lưu thông dòng chảy; bồi lắng; sạt lở lòng, bờ bãi sông
theo quy định...
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như trên, ông
Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã có buổi gặp
mặt báo chí để trao đổi về dự án công viên trái cây. Ông Thanh cho biết, tiền
thân dự án công viên trái cây là dự án hạ tầng khu dân cư, thương mại và dịch
vụ cặp sông Tiền.
Chủ tịch huyện này khẳng định dự án công viên trái cây đã
thực hiện đầy đủ mọi thủ tục có liên quan trước khi xây dựng, kể cả lập báo cáo
ĐTM. Thế nhưng, khi cho báo chí xem bản báo cáo ĐTM hiện sử dụng để thi công dự
án công viên trái cây, báo chí nhận thấy tên dự án ghi trong đó không phải là
dự án công viên trái cây mà là dự án hạ tầng khu dân cư, thương mại, dịch vụ
cặp sông Tiền.
Sau khi “chuyển đổi” dự án, quy mô của dự án đã thay đổi
theo. Cụ thể, báo cáo ĐTM của dự án hạ tầng khu dân cư, thương mại, dịch vụ cặp
sông Tiền thể hiện diện tích là 8,97 héc ta, trong khi đó quy mô đang triển
khai của dự án công viên trái cây là 9,78 héc ta. Diện tích phần lấn sông Tiền
cũng đã thay đổi, mức gần 5 héc ta của dự án trước được nâng lên thành 6,8 héc
ta trong dự án sau.
Với những thay đổi như nêu trên, rõ ràng không thể “châm
chước” lấy báo cáo ĐTM của dự án hạ tầng khu dân cư, thương mại, dịch vụ cặp
sông Tiền sử dụng cho dự án công viên trái cây. Khoản 2, điều 19, Luật Bảo vệ
môi trường quy định việc đánh giá ĐTM phải thực hiện trong giai đoạn “chuẩn bị
dự án”. Dự án công viên trái cây đã được triển khai thi công, nên rõ ràng nó đã
thực hiện không đúng quy định của pháp luật.
Từ dự án công viên trái cây này, không thể đánh đồng các dự
án lấn sông, lấn biển khác cũng sai như vậy. Thế nhưng, với không ít dự án, báo
cáo ĐTM chưa bao giờ được công khai, thì những hoài nghi về sai phạm hay có dư
luận không tốt cũng là điều dễ hiểu.
Để không hối tiếc vì lấn sông
Trao đổi với TBKTSG, ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện
Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, cho biết: các dự án lấn sông
chắc chắn sẽ có tác động ở rất nhiều phương diện khác nhau, như điều kiện tự
nhiên, môi trường, sinh thái, kinh tế, xã hội, thậm chí sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, về mặt nguyên tắc, ít nhiều chúng cũng vi phạm các quy định về
quản lý sông ngòi. Ví dụ, quy định hiện nay là cấm lấn dòng chảy, thu hẹp dòng
chảy...
Tuy nhiên, việc xác định chính xác có hành vi vi phạm hay
không, mức độ tới đâu là rất khó. “Bởi, chúng ta không nắm được hồ sơ dự án và
báo cáo ĐTM”, ông Tuấn nói.
Vì vậy ông Tuấn đề nghị thứ nhất là phải công khai các báo
cáo ĐTM, thứ hai là công khai hội đồng phê duyệt gồm những ai để họ phải có
trách nhiệm với quyết định phê duyệt của mình.
Chuyên gia Trần Hữu Hiệp cho rằng vấn đề nào liên quan đến
tài sản dùng chung, dù nó nằm trên địa bàn một tỉnh, cũng cần xem xét tác động
chung đến các tỉnh xung quanh. “Khi làm sân bay, cảng biển hay khai thác sử
dụng tài nguyên nước của những dòng sông lớn, cần phải xem xét để việc khai
thác sử dụng của địa phương này không tác động đến địa phương khác”, ông Hiệp
nêu ví dụ.
Một bài học đã thấy rất rõ, theo ông Hiệp, đó là việc lấn
sông Đồng Nai, con sông nằm trên địa bàn Đồng Nai nhưng liên quan đến nhiều địa
phương khác ở hạ nguồn, trong đó có TPHCM. “Xét về mặt quy trình là đầu tư trên
địa bàn thì chính quyền địa phương được toàn quyền. Thế nhưng, công trình đó có
thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương nên cần thiết đặt ra vấn đề phải xem xét tác
động liên hoàn, vượt qua ranh giới hành chính tỉnh”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp đề nghị cần có quy hoạch hệ thống, chẳng hạn, dọc
sông Tiền, sông Hậu được làm cái gì, có thể có những công trình lớn nào. Đầu tư
để phát triển kinh tế là việc làm chính đáng của một địa phương nhưng theo ông,
“để tránh hối tiếc, tránh việc được cho ông này, mất của ông kia hay cái chung
của xã hội, thì phải có cách tiếp cận ít nhất là tiểu vùng”.
Thông điệp “không thô bạo” của thế giới
Trao đổi với TBKTSG, ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc
Trung tâm Phát triển tài nguyên nước bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu
(CEWAREC) kiêm Trưởng ban điều hành mạng lưới lưới sông ngòi Việt Nam (VRN),
khẳng định: “Một trong những nguồn tài nguyên thiên thiên vô cùng quan trọng
cho cuộc sống của con người, sự phồn thịnh của một quốc gia, đó là các con
sông, là tài nguyên nước”.
Theo ông Tứ, tại “Diễn đàn nước thế giới lần thứ 7” diễn ra
tại thành phố Daegu, Hàn Quốc hồi tháng 4-2015, một số nước đã đưa ra những
thông điệp rất rõ ràng về cách ứng xử với những dòng sông theo hướng không can
thiệp “thô bạo”.
Dẫn thông điệp của bảy tổ chức quản lý nước ở Pháp đưa ra
tại diễn đàn nêu trên, ông Tứ nhấn mạnh: “Hãy trả lại cho các dòng sông không
gian để chúng có thể làm tốt chức năng tự nhiên đã tạo nên nó. Chúng ta cần trả
lại bản chất thiên nhiên cho các dòng sông để nó có thể thích ứng với biến đổi
khí hậu và nhờ đó nó mới có thể bảo vệ được chúng ta”.
Đi liền thông điệp trên, các tổ chức của Pháp đã đề xuất
một kế hoạch là phải thay đổi cách sử dụng đất để trả lại khu vực đất ngập nước
dọc theo chiều dài dòng sông. Cụ thể, phải trả lại ít nhất 20% diện tích đất
ngập nước dọc các dòng sông vào năm 2050 hoặc nối các vùng đất ướt với nhau để
chúng tạo thành những túi trữ nước.
Gần đây, ông Tứ cho biết, như một hành động thiết thực, Hàn
Quốc đã quyết định khôi phục lại dòng sông ở Seoul bị lấn chiếm. “Quyết định
này tạo nên sự phấn khích cho toàn xã hội Hàn Quốc vì nó tạo nên một dòng sông
“sống” giữa thủ đô của nước này”, ông Tứ nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét