TS.TRẦN HỮU HIỆP
Nhàđầutư Trong điều kiện các nguồn lực đầu tư ngày càng khan hiếm, thì việc nhận diện, tìm ra cơ chế, chính sách và giải pháp tạo lập vốn từ kinh tế chia sẻ và liên kết xây dựng thành phố thông minh đang triển khai riêng lẻ ở từng địa phương là nguồn lực đầu tư mới quan trọng.
“Tài nguyên ảo” không còn ảo
Tài nguyên là nguồn của cải có sẵn trong tự nhiên chưa khai thác hoặc đang được khai thác, là mọi đối tượng của xử lý thông tin như bộ nhớ, tệp dữ liệu, chương trình máy tính (Từ điển Tiếng Việt, trang 1373-1374, Trung tâm Từ điển học – Vietlex, 2011). Tài nguyên thể hiện dưới dạng vật thể như tài nguyên đất, tài nguyên nước hoặc dưới dạng phi vật thể như tri thức khoa học.
Trong thời đại kinh tế tri thức, các dạng “tài nguyên ảo” dưới dạng thông tin, dữ liệu sẽ không còn ảo mà là một nguồn lực đầu tư. Trong đó, các loại hình kinh tế chia sẻ được gia tăng và chia sẻ giá trị từ các loại tài sản hữu hình hoặc tài sản vô hình như tri thức, công nghệ, tạo lập thành các nguồn vốn đầu tư phát triển quan trọng.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, kinh tế chia sẻ (sharing economy) là mô hình thị trường được chia sẻ mang tính cộng đồng thông qua các dịch vụ trực tuyến, dựa trên nhu cầu và lợi ích chung của các tác nhân tham gia, nhằm khai thác tối đa các lợi ích kinh tế nhàn rỗi trong quá trình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản mà nó còn trong trạng thái tài nguyên chưa khai thác.
Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn nhiều dư địa, kinh tế chia sẻ có khả năng trở thành động lực mới góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Dù mới xuất hiện ở nước ta vài năm gần đây, nhưng kinh tế chia sẻ đang thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Nổi lên là 3 loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ phổ biến trong lĩnh vực vận tải, du lịch và ngân hàng. Kinh tế chia sẻ cũng đang góp phần cải cách bộ máy hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, thúc đẩy cải cách thể chế.
Grab là một dạng thức của kinh tế chia sẻ được “nhập khẩu” vào Việt Nam năm 2014 và phát triển nhanh chóng. Ứng dụng này giúp người dùng dễ dàng sử dụng dịch vụ taxi, mở ra nhiều khả năng cho chủ sở hữu tận dụng phương tiện cá nhân để kinh doanh mọi lúc, mọi nơi mà không nhất thiết phải tổ chức theo một đơn vị kinh doanh với bộ máy cồng kềnh.
Sau đó, nhiều mô hình kinh tế chia sẻ thuần Việt như ứng dụng gọi xe miễn phí GO-IXE, VATO, Gonow của Viettel, T.Net của FPT ra đời. Chỉ riêng ở TPHCM, theo số liệu của Sở Giao thông vận tải, tính đến năm 2017 đã có 25.000 xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi đã được cấp phù hiệu và có đến 24.000 chiếc đang tham gia mạng lưới Grab.
Trong khi số xe taxi truyền thống chỉ bằng 46% so với xe Grab. Báo cáo 5 năm thành lập Grab (Grab, 2017), thì hành khách đã tiết kiệm được 51% thời gian, giảm 20 – 30% chi phí đi lại, giảm 40% những loại giấy tờ khi quyết toán chi phí.
Trong lĩnh vực thương mại, du lịch nhiều app được cung cấp miễn phí qua mạng Internet như Trivago.vn tìm kiếm phòng khách sạn giá rẻ, Foody.vn đặt món ăn nhà hàng, các công cụ bán hàng qua mạng Facbook, Zalo Shop, Adayroi.com, công cụ Google Map tìm địa điểm.
Các dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ, kết nối bên cho vay và người vay như lendbiz.vn, tima.vn, các loại ví số Momo, VNKash, ZaloPay, Bankplus, ví điện tử Ngân Lượng (nganluong.vn), Smartlink tạo ra nhiều ứng dụng tuyệt vời cho những hình thái mới của kinh tế chia sẻ, mở ra khả năng ứng dụng tốt hơn trong nhiều lĩnh vực khác như quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục.
Kết quả khảo sát của Nielsen về Người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á sẵn sàng mô hình kinh doanh chia sẻ, thì chỉ có 18% người Việt được hỏi từ chối chia sẻ tài sản cá nhân. Trong khi số người sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ tại Việt Nam lên tới 76%, cao hơn mức bình quân 66% của toàn cầu (Nielsen, 2014).
Nhận diện điểm nghẽn và rủi ro
Mặc dù được nhìn nhận có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển, nhưng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam cũng đang vướng những điểm nghẽn và nguy cơ rủi ro cần nhận diện để khắc phục.
Thứ nhất, nền tảng pháp lý hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, các mô hình kinh tế chia sẻ mới. Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Thương mại điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ thông tin, các luật thuế về nghĩa vụ tài chính và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định đầy đủ, cụ thể về loại hình kinh tế chia sẻ. Còn thiếu các qui định rõ ràng trách nhiệm của các bên trong kinh tế chia sẻ, thường là quan hệ “3 bên” thay vì “hai bên” trong quan hệ hợp đồng kinh tế, dân sự truyền thống, nên dễ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm. Điều đó vừa tạo ra các “khoảng trống pháp lý”, vừa cản trở phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ.
Thứ hai, sự lúng túng trong của các cơ quan quản lý do các loại hình kinh tế chia sẻ có sự đan xen, giao thoa với kinh doanh truyền thống, dễ dẫn đến chồng lấn chức năng của các Bộ/ngành. Trong khi hoạt động quản lý chưa đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ như sự bất bình đẳng trong đăng kí và hoạt động kinh doanh biểu hiện qua vụ tranh chấp dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab Việt Nam.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, các ứng dụng nền tảng như điện toán đám mây, công nghệ vệ tinh, viễn thám của Việt Nam chưa đủ sức tạo ra hệ sinh thái lý tưởng cho các loại hình kinh tế chia sẻ. 6 loại cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng theo Quyết định 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ là CSDL quốc gia về Dân cư, CSDL quốc gia về Đất đai, CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia Thống kê tổng hợp về Dân số, CSDL quốc gia về Tài chính và CSDL quốc gia về Bảo hiểm, hoặc đang được xây dựng, hoặc chưa có nhiều ứng dụng hỗ trợ cho các loại hình kinh tế chia sẻ phát triển mạnh mẽ.
Thứ tư, hệ thống mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lổ hổng dữ liệu. Thông tin bị rò rỉ, bị mua bán trái phép, thậm chí còn là môi trường hoạt động của các dạng lừa đảo qua mạng, của tội phạm công nghệ cao.
Thứ năm, thiếu liên kết trong việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, dẫn đến khó chia sẻ các nguồn “tài nguyên ảo” từ hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng ứng dụng cho các mô hình kinh tế chia sẻ trong tương lai. Có thể nhận thấy nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ, … đang triển khai xây dựng các Smart City, nhưng làm riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu các chuẩn công nghệ đồng bộ để liên thông quốc gia.
Khơi thông điểm nghẽn, tạo lập nguồn vốn
Tạo lập vốn thường được hiểu là các phương thức mà doanh nghiệp, chủ thể đầu tư, kinh doanh, thương mại sử dụng để huy động các nguồn vốn nhằm thiết lập nguồn tài chính để đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chủ thể “tạo lập vốn” còn có thể là các cơ quan thẩm quyền thuộc khu vực công. Việc nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư cần được nhìn nhận như một cách thức tạo lập nguồn vốn.
Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ kinh tế chia sẻ và liên kết các Smart City, cần xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch tích hợp, liên kết đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, phát triển các loại thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa, dịch vụ, lao động, khoa học-công nghệ và thiết lập hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu vùng, quốc gia.
Trên cơ sở đó, cần tăng cường liên kết, xây dựng 5 trụ cột của các thành phố thông minh. Đó là: (1) Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở (2) Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP (3) Xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo KT-XH TP (4) Thành lập trung tâm an toàn thông tin TP (5) Xây dựng chính quyền điện tử trong hời kỳ chuyển đổi số, chuyển dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp vai trò quản lý đô thị thông minh.
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch & đầu tư chủ trì xây dựng đề án kinh tế chia sẻ trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2019. Theo đó, cần tổ chức thực thi các cơ chế, chính sách, giải pháp liên kết tạo lập nguồn vốn từ kinh tế chia sẻ và liên kết các Smart City theo hướng:
Một là, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, văn bản pháp quy của Chính phủ hướng dẫn thi hành các đạo luật, nhất là các đạo luật thiết yếu như đã nêu để huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ kinh tế chia sẻ, xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm hệ thống mạng, phát triển các ứng dụng nền tảng như điện toán đám mây, công nghệ vệ tinh, viễn thám đủ sức tạo ra hệ sinh thái lý tưởng cho các ứng dụng nền tảng của các dạng thức kinh tế chia sẻ; đồng thời phòng ngừa rủi ro, đổ vỡ hệ thống từ việc lạm dụng tiện ích của các mô hình kinh tế chia sẻ, bẫy nợ tiêu dùng từ các loại thẻ tín dụng số, các loại ví điện tử hay các loại tội phạm công nghệ cao.
Ba là, xây dựng cơ chế tài chính sáng tạo để huy động nguồn lực tài chính từ khu vực công lẫn khu vực tư để hỗ trợ cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ, xây dựng thành phố thông minh.
Bốn là, nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý, điều phối hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước theo hướng kiến tạo và khuyến khích phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong việc triển khai xây dựng các Smart City, đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ, hệ thống thông tin đồng bộ, tạo ra hệ sinh thái lý tưởng cho các mô hình kinh tế chia sẻ.
Năm là, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng cho các liên kết chính quyền, liên kết thị trường, liên kết quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực “tài nguyên ảo”.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tạo lập nguồn vốn từ kinh tế chia sẻ và liên kết các thành phố thông minh có ý nghĩa quan trọng. Nhưng quan trọng hơn vẫn là tư duy, tầm nhìn và thực thi theo lộ trình phù hợp để hiện thực hóa nó .
Nhận xét
Đăng nhận xét