Trần Hữu Hiệp
TTO - 6 năm qua đã có hơn 4,3 triệu xe (3,9 triệu môtô, 249.000
ôtô) bị tạm giữ. Trong đó 137.000 xe vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ
chưa xử lý được với khoảng 37.000 xe đã thành sắt vụn.
Đó
là con số được lãnh đạo Bộ Công an xác nhận trong phiên giải trình trước Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội.
Những chiếc xe dầm mưa dãi nắng, phơi ngoài trời của xót không ta? |
Một trong những nguyên nhân của tình trạng
trên được cho là do Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định hiện hành về thời
hiệu xử lý là 1 năm. Trong khi thủ tục tịch thu, bán đấu giá xe mất rất nhiều
thời gian, trải qua nhiều khâu tra cứu hồ sơ, xác minh, giám định, định giá,
thông báo niêm yết, lập phương án xử lý đến ra quyết định tịch thu.
Việc rà soát, cải tiến thủ tục, sửa đổi
quy định pháp luật là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là không để tình trạng
trên diễn ra. Trừ một số là tang vật của vụ án, cần áp dụng theo trình tự tố
tụng tư pháp, có nhất thiết phải tạm giữ xe vi phạm giao thông như một hình
thức xử phạt mà xét về hiệu quả kinh tế, chi phí và lợi ích thì hiệu quả âm.
Bởi vì xét cho cùng, chính người điều khiển vi phạm cần được xử lý chứ không
phải xe phải "ngồi tù".
Nhớ gần mươi năm trước, cả nước biết chuyện
chính quyền một huyện ở Tây Nguyên đã ra quyết định "bắt giam hòn đá"
bằng cách làm một lồng sắt nhốt hòn đá nặng hàng tấn đặt tại trụ sở UBND
huyện.
Đó là hòn đá do một người dân phát hiện
được cho là loại đá quý. Nhiều người cho rằng đó là cách xử lý khôi hài, trong
khi nhiều năm qua các cơ quan chức năng đang "bỏ tù xe cộ" bằng cách
"tạm giữ phương tiện giao thông".
Trước đó, chỉ một thông tư của một bộ
chuyên ngành đã hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân được ghi nhận trong
Hiến pháp bằng cách quy định cấm mỗi người đăng ký quá một xe máy. Hậu quả là
nhiều người mua xe nhờ đứng tên hộ, xảy ra tình trạng xe không chính chủ tràn
lan.
Quy định trái khoái này đã được bãi bỏ,
nhưng việc tạm giữ xe thì không. Tại sao không thể giải phóng các xe này bằng
cách áp dụng quy định đặt tiền bảo lãnh để tiếp tục khai thác lợi ích của tài
sản?
Nghiêm trọng hơn, đã từng có vị cựu bộ
trưởng đề xuất "tiêu hủy xe đua vi phạm". May mà ý tưởng này chưa
thành luật.
Thử nghĩ, nếu những chiếc xe đua trái phép
có giá trị hàng chục tỉ đồng bị tiêu hủy thì ai sẽ thiệt? Xét ở góc độ pháp lý,
dù xe vi phạm có bị tịch thu, thuộc sở hữu nhà nước hay là tài sản của cá nhân
người vi phạm thì việc "tiêu hủy xe đua" vẫn là cách thức hủy hoại
tài sản của xã hội.
Một thời gian dài, nếu 4,3 triệu ôtô, xe
máy không bị "cầm tù" sẽ được khai thác công năng, mang lại nhiều lợi
ích kinh tế, giải quyết được nhiều công ăn việc làm lại không tạo ra gánh nặng
cho xã hội hay trở thành sắt vụn.
Cơ quan chức năng không phải tốn nhiều
kinh phí, lo mặt bằng xây kho tạm giữ hay phải thuê chỗ tạm, dẫn đến tình trạng
xe dầm mưa dãi nắng bị hư hỏng hoặc là cơ hội tiêu cực khi có tình trạng chạy
chọt, xin xỏ hay thay đổi thiết bị xe để trục lợi như đại biểu Quốc hội đã phản
ánh thông qua công tác giám sát.
Việc xử lý 4,3 triệu xe bị tạm giữ không
chỉ đơn thuần là việc đề xuất sửa đổi quy định pháp luật, đơn giản hóa thủ tục
xử lý vi phạm hành chính, mà nó đang cần một sự giải phóng "tư duy cầm tù
xe" vẫn đang tồn tại nhiều năm qua.
Bao giờ thôi cảnh "bắt giam xe
cộ"?
Nhận xét
Đăng nhận xét