Báo Tuổi Trẻ, 27/11/2019 09:13 GMT+7
Ts. Trần Hữu Hiệp
TTO - Nông trường Sông Hậu (NTSH) sẽ thành công ty TNHH hai thành viên
với một bên là đại diện vốn nhà nước của TP Cần Thơ, một bên là Công ty cổ phần
Sữa Việt Nam (Vinamilk). Dư luận đang rất quan tâm mô hình này.
Vinamilk thỏa thuận đầu tư vào NTSH |
Vinamilk được chọn làm
đối tác, ứng trước 150 tỉ đồng xử lý nợ, tổ chức kinh doanh theo mô hình mới.
Dư luận đang kỳ vọng sự hồi sinh và bước ngoặt phát triển mới của một doanh
nghiệp vang bóng một thời. Nhưng quan trọng là cách làm, đặc biệt là làm sao
trả doanh nghiệp về với thị trường đúng nghĩa.
Khép lại chuyện cũ
Thành lập năm 1979,
chuyển đổi từ mô hình nông trường quốc doanh sang doanh nghiệp nhà nước năm
1992, NTSH đi lên từ không đến có, tổ chức huy động các nguồn lực, đầu tư hạ
tầng, hình thành một vùng sản xuất rộng lớn 7.000ha với hơn 2.500 hộ nông
trường viên, doanh thu trên 1.000 tỉ đồng/năm, đã trở thành lá cờ đầu trong
ngành nông nghiệp của cả nước.
NTSH từng được xem là hình mẫu nông nghiệp sản xuất lớn xã hội chủ
nghĩa, năng động, sáng tạo đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Nơi đây đã có hai
Anh hùng là Trần Ngọc Hoằng và Trần Ngọc Sương, là đơn vị hai lần đón nhận danh
hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Nhưng rồi như chiếc xe mất thắng, lao dốc, 10
năm qua NTSH rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Về bản chất, hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp phải trả lời cho ba câu hỏi cơ bản của thị trường
là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai? Mọi hoạt động của
doanh nghiệp (dù nó có thể gánh vác thêm các trách nhiệm xã hội và môi trường)
vẫn phải đáp ứng mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt là đảm bảo hiệu quả lợi nhuận
để tồn tại và phát triển.
Trong thời kỳ ăn nên làm ra, NTSH phải gánh kinh phí cho những phúc lợi
công cộng từ chi phí cho giáo dục, trả lương cho đội ngũ giáo viên, cán bộ
khuyến nông, đến vay thương mại ngắn hạn để đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng
điện, đường, trường, trạm mà sau này được thành lập mới một đơn vị hành chính
cấp xã. Chưa kể nhiều khoản "bao cấp" phúc lợi và các kiểu chi phí khác...
Có nhiều nguyên nhân lý
giải về "vòng vây nợ nần" dẫn đến "trạng thái rơi tự do"
của doanh nghiệp nông nghiệp này. Nhưng có lẽ nổi lên vẫn là bài học từ cơ chế,
gánh nặng tài chính mà doanh nghiệp này phải mang vác quá mức, vượt ra ngoài
nguyên tắc của kinh tế thị trường và rơi vào "vòng vây" của "bao
cấp hành chính" phi thị trường.
Để "hồi sinh" nông trường
Nay trước đòi hỏi mới,
việc chuyển đổi mô hình NTSH phải vừa giải quyết yêu cầu trước mắt, vừa tính
chuyện lâu dài. Để "giải cứu" thành công, điều kiện tiên quyết là xử
"cục máu đông" - món nợ quá hạn ngân hàng 400 tỉ đồng đã được tính
đến. Nhưng để "hồi sinh" và phát triển, cần giải quyết tốt nhất ba
mối quan hệ cốt lõi.
Một là, mối quan hệ sử
dụng đất giữa nông trường và người dân. NTSH chỉ trực tiếp nắm giữ 400ha đất,
còn lại hơn 5.800ha đất đang giao khoán cho các hộ dân canh tác. Làm sao để người
nông dân gắn bó lâu dài bằng lợi ích, thở cùng hơi thở kinh doanh của nông
trường? Vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân đã từng đề xuất chuyển đổi NTSH sang mô
hình công ty cổ phần nông nghiệp tổng hợp, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và nông
dân bằng phương thức kinh doanh mới, không phải không có lý.
Hai là, mối quan hệ sở
hữu, giữa một bên là địa phương góp vốn bằng quyền sử dụng đất và Vinamilk -
một thương hiệu lớn đang được kỳ vọng, phải được tôn trọng trong mối quan hệ
đối tác sòng phẳng, doanh nghiệp phải thật sự có quyền tự chủ theo luật, không
bị hành chính hóa, không đi vào "vết xe cũ" của nông trường trong quá
khứ.
Và ba là, quan hệ giữa
doanh nghiệp với thị trường. Thất bại trong quá khứ không phải đã xóa sạch
những di sản của NTSH để lại. Cơ sở hạ tầng, đất đai, vùng nguyên liệu sản xuất
hàng hóa nông nghiệp tập trung, có thể triển khai tốt các ứng dụng công nghiệp
mới của nền nông nghiệp hiện đại và không gian phát triển rộng lớn không dễ gì
một doanh nghiệp khởi sự ban đầu dễ dàng có được.
Thách thức và động lực
Thương hiệu vang bóng
một thời của NTSH cần được hồi sinh và phát triển. Việc chuyển đổi NTSH sang mô
hình mới đang được kỳ vọng, nhưng tương lai ra sao, hiệu quả có mang lại hay
không phụ thuộc vào cách thức giải quyết ba mối quan hệ trên. Doanh nghiệp cần
được trả về với thị trường, vừa là thách thức, vừa là động lực, chấp nhận cạnh
tranh để phát triển.
Nhận xét
Đăng nhận xét