TS Trần Hữu Hiệp
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL
Báo Người Lao Động, 25-11-2019
- 04:04 AM|Miền Tây
Để khai thác tiềm năng
to lớn từ kinh tế ban đêm ở ĐBSCL, các địa phương cần quy hoạch, tổ chức lại
chợ đêm, chợ nổi một cách hợp lý, có bản sắc riêng, tạo ra những điểm hấp dẫn
buộc du khách phải... tiêu tiền
Kinh tế ban đêm
(Night-time economy) ở ĐBSCL nói riêng được ví như "nàng công chúa ngủ
quên". Với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu chính sách
hỗ trợ, thúc đẩy phát triển loại hình kinh tế này, "nàng công chúa"
kỳ vọng sẽ được đánh thức.
Một góc chợ đêm Ninh Kiều (TP Cần Thơ). |
Tiềm
năng to lớn
Kinh tế ban đêm vốn
không xa lạ với người miền Tây qua hoạt động mua bán nông sản. Chợ đêm truyền
thống từ xưa vốn là bộ mặt của một vùng nông sản dồi dào và giao thương sôi
động. Trong đó, chợ nổi, chợ đầu mối hoạt động phần lớn vào ban đêm đến tờ mờ
sáng vừa đa dạng vừa độc đáo không kém gì "36 phố phường" của Hà Nội
xưa. Mặc dù có lúc chìm nổi, chưa được quan tâm đầu tư khai thác đúng mức nhưng
các hoạt động kinh tế này vẫn đang tạo ra dư địa hấp dẫn.
Chợ nổi ở ĐBSCL khá
nhiều, như: Cái Răng, Phong Điền (TP Cần Thơ); Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long); Cái Bè
(tỉnh Tiền Giang)... Nhưng lâu đời và nổi tiếng nhất vẫn là chợ nổi Ngã Bảy,
hay còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Chợ nổi này gắn với bài
tình ca bất hủ "Tình anh bán chiếu" của ông vua vọng cổ Viễn Châu
được thể hiện qua tiếng hát của danh ca Út Trà Ôn. Người trong Nam, ngoài Bắc
hầu như đều thuộc ít nhất vài câu vọng cổ hay có thể à ơ mấy đoạn của bài hát
này. Và từ lâu, chợ nổi ngoài việc là nơi dân đờn ca tài tử, cũng là người mua,
kẻ bán trổ tài ca hát, còn là không gian giao lưu văn hóa của người dân miền
Tây.
Vùng cuối đất thì có
chợ trôi Năm Căn (tỉnh Cà Mau) với cái thú thả nổi xuồng, ghe trôi theo dòng
nước trên sông, mặc sức mua bán. Ở tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng có chợ cá đồng, chợ
rắn, chợ chuột Tháp Mười. Còn vùng Thất Sơn (tỉnh An Giang) có chợ trâu, bò Tà
Ngáo (huyện Tịnh Biên). Xuống miệt tỉnh Hậu Giang là các chợ xứ ngàn độc đáo.
"Ngàn" không có nghĩa như bài hát "Lên ngàn" của nhạc sĩ
Hoàng Việt, mà đơn giản là cách gọi con số, từ một ngàn, ngàn rưỡi, dài đến
mười bốn ngàn do xưa kia người Pháp đào kênh thủy lợi cách nhau 1.000 m có kênh
trục, 500 m có kênh xương cá, tạo ra hệ thống thủy lợi độc đáo và cũng tạo ra
hệ thống chợ có một không hai.
Phải
biết cách "thắp sáng"
Gần đây, các chợ đêm
Tây Đô, Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ), chợ đêm trên đảo ngọc Phú
Quốc, miền biên trấn Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang)... được quan tâm đầu tư, khai
thác hiệu quả nhờ gắn với bản sắc, tập quán sinh hoạt, ẩm thực của địa phương.
Song, trước yêu cầu phát triển mới, cần có nhận thức mới và nguồn lực đầu tư
đúng mức cho sự phát triển các chợ đêm đồng bằng, bên cạnh hệ thống các chợ
trung tâm, siêu thị hiện đại.
Để "thắp
sáng", khuấy động kinh tế ban đêm, khai thác các giá trị kinh tế mà vẫn
giữ bản sắc văn hóa độc đáo, yêu cầu đặt ra là cần tư duy, cách tiếp cận hệ
thống, từ kinh tế đến văn hóa, du lịch và quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư đúng
mức. Các địa phương cần quy hoạch, tổ chức chợ đêm hợp lý, có bản sắc để nơi
đây trở thành một điểm đến không thể thiếu trong lộ trình tour của du khách
nước ngoài, tạo ra môi trường kinh doanh sôi động nhưng an toàn, lành mạnh.
Theo số liệu thống kê
của Tổng cục Du lịch, 5 năm trở lại đây, mức chi tiêu của du khách đến Việt Nam
chủ yếu dành cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống (chiếm hơn 60%); mua sắm,
tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%. Do vậy, mỗi địa phương cần xây
dựng mô hình chợ đêm khác nhau và thể hiện được bản sắc riêng. Cần có những sản
phẩm du lịch về đêm, chợ đêm độc đáo để du khách khám phá và tiêu tiền. Giữ
chân du khách bằng chợ đêm để họ có nhiều trải nghiệm và "móc hầu bao".
Tại Việt Nam nói chung
và vùng ĐBSCL nói riêng, chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô,
cũng như tác động của kinh tế ban đêm đến hoạt động kinh tế nói chung để từ đó
hoạch định chính sách phù hợp. Lâu nay, nhiều người nghĩ ĐBSCL với đặc trưng nông
nghiệp, quanh quẩn với kinh tế nông nghiệp truyền thống. Nay, trước yêu cầu
phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm, cần đầu tư xây dựng
một hệ sinh thái, hạ tầng kỹ thuật cho kinh tế số, nông nghiệp số, các phương
thức kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm trước yêu cầu mới trên nền tảng những
giá trị truyền thống nhìn từ các chợ đêm đồng bằng.
Và trong hệ sinh thái
mới này, rất cần sự dẫn dắt của nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà
khoa học và kiến tạo của nhà nước bằng cơ chế, chính sách hợp lý để kinh tế ban
đêm cũng như các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ không phải là những ngôn từ
trống rỗng mà thực sự là một phần đời sống kinh tế, văn hóa của người đồng
bằng.
Chợ đêm, chợ nổi, chợ quê không chỉ là nơi
trao đổi, mua bán mà còn là không gian sinh hoạt của người dân ĐBSCL. Nhìn từ
giá trị kinh tế - văn hóa bản địa, nó còn là một đặc sản của du lịch sông nước,
miệt vườn, miệt ruộng, do vậy cần được nâng tầm trước yêu cầu đánh thức tiềm
năng “kinh tế ban đêm”.
Nhận xét
Đăng nhận xét