Hữu Hiệp
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa phối hợp Văn phòng Ủy ban quốc gia
sông Mê Công Việt Nam, Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh và các tỉnh An Giang,
Hậu Giang, Sóc Trăng tổ chức các buổi tham vấn cộng đồng dân cư về tác động của
việc xây dựng các đập thủy điện (TĐ) trên dòng chính sông Mê Công.
Dòng Mekong chảy qua Champasak, Nam Lào - nơi Lào định xây đập thủy điện Don Sahong chặn dòng |
Không chỉ các chuyên gia, nhà khoa học cung cấp thông tin tình
hình, mà chính những nông dân miền Tây đã bày tỏ quan ngại và phản đối việc xây
đập TĐ trên dòng chính Mê Công. Lào và Campuchia có kế hoạch xây dựng 11 đập
TĐ. Đập Xayaburi của Lào đã hoàn thành khoảng 30%. Phía Lào đang xúc tiến việc
xây con đập thứ 2 là Don Sahong.
TĐ Mê Công đã gây nhiều tranh cãi, một số người vì lợi ích cục
bộ hoặc thiếu thông tin đã tạo ra cái gọi là “truyền thuyết hiện đại” với những
nhận định sai lầm như: (1) Việc xây đập TĐ trên lãnh thổ của một quốc gia, nước
khác không có quyền phản đối, (2) Do chưa định lượng được tổn thất do TĐ gây ra
nên không có cơ sở để phản đối, (3) TĐ là năng lượng sạch, cần phát triển; xây
đập giúp ngăn lũ, có lợi cho ĐBSCL …
Bằng các lý do thuyết phục và minh chứng từ thực tiễn, các nhà
khoa học và nông dân, phụ nữ miền Tây đã cho thấy, làm TĐ trên sông Mê Công hại
nhiều hơn lợi. Tác hại nhãn tiền là việc thay đổi dòng chảy, lượng nước, chất
lượng nước và mùa nước tự nhiên của sông Mê Công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa
dạng sinh học, thủy sản, nông nghiệp, giao thông thủy, đời sống và sinh kế
không chỉ đối với người dân ĐBSCL mà cả lưu vực sông, gồm 4 quốc gia: Lào, Thái
Lan, Campuchia và Việt Nam. Nếu như tác hại của đê bao cục bộ bằng đất, trồng
lúa vụ 3 hay lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL thời
gian qua còn khắc phục được bằng cách cải tạo hệ thống thủy lợi, thực hành nông
nghiệp xanh, thì các đập TĐ trên sông Mê Công được xây dựng kiên cố thành các
“túi nước” nguy hiểm sẽ có tác động tiêu cực vĩnh viễn.
Cá trên dòng Mekong được các nhà đầu tư hứa cho "đi xe hơi" hoặc "đi cầu thang nhà lầu" của đập thủy điện, biết còn sống khoẻ để đi như ngày nay không? |
Qua các buổi tham vấn cộng đồng, người dân miền Tây đã yêu cầu
các quốc gia đầu nguồn tuân thủ và thực thi nghiêm túc “nguyên tắc cẩn trọng”
đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận tại Hiến chương thế giới về thiên
nhiên năm 1982 và nhiều công ước, tuyên bố chung tại hội nghị quốc tế thừa nhận
mà các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công phải có nghĩa vụ tôn trọng. Xâm
hại đến sông mẹ Mê Công - tài sản chung của nhiều quốc gia, không còn là chuyện
riêng của một quốc gia.
Nhận xét
Đăng nhận xét