Trần Hữu Hiệp
Báo Tuổi Trẻ, ngày 03/09/2017
08:45 GMT+7
TTO - Trục đường chính
đã thông, nối với các vùng miền của đất nước, nhưng các đường nhánh,
"xương sườn" lắm nơi vẫn "ọp ẹp".
Nhiều tin vui cho ĐBSCL.
Cầu Cao Lãnh nối hai bờ sông Tiền được đầu tư 3.000 tỉ đồng vừa hợp long. Bên
kia sông Hậu, cầu Vàm Cống vốn đầu tư gần 5.700 tỉ đồng cũng được hợp long hai
nhịp cầu biên để kịp nối những bờ vui.
Ở cửa ngõ
miền Tây, hình hài công trình trọng điểm đường cao tốc Bến Lức -
Long Thành đã hiện rõ.
Đây là công trình kết
nối đông - tây, hứa hẹn phá vỡ "kỷ lục ngược" của 2 vùng kinh tế
trọng điểm quốc gia, khi cả nước có 740km đường cao tốc thì chiều dài đường cao
tốc đi qua mỗi vùng này chỉ bằng con số lẻ.
Phát triển hạ tầng giao
thông là một trong ba khâu đột phá của ĐBSCL, thời gian qua được tập trung đầu
tư. Hệ thống giao thông huyết mạch, trục dọc và ngang, cầu vượt sông lớn như Mỹ
Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Đầm Cùng, Năm Căn đã tạo ra mạng lưới giao thông tốt
hơn, liên kết nội vùng, liên vùng và cả nước.
Việc đưa vào
sử dụng cầu Vàm Cống, Cao Lãnh trong năm nay, trước năm 2020 hoàn
thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không
chỉ xóa cách trở, mà còn kéo đồng bằng về gần hơn với TP.HCM, kết nối với tuyến
N2, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, hình thành trục dọc thứ 2, giảm áp lực giao thông
cho quốc lộ 1, mở ra nhiều vận hội mới.
Công bằng mà nói, đường
đến đồng bằng dù có khác trước nhưng vẫn trong tình trạng "thông" mà
chưa "suốt". Trục đường chính đã thông, nối với các vùng miền của đất
nước, nhưng các đường nhánh, "xương sườn" lắm nơi vẫn "ọp
ẹp".
Như cầu Cao Lãnh, Vàm
Cống chỉ phát huy tác dụng khi trục nối quốc lộ 80 và quốc lộ 32 được đầu tư
nâng cấp đồng bộ. Rồi những điểm nghẽn từ các "nút thắt cổ chai" trên
nhiều tuyến đường và tải trọng kém của những cây cầu đã vô hiệu hóa cả tuyến
đường được đầu tư mới tốn kém.
Nâng cấp các đường
"xương sườn", các tỉnh lộ để tạo ra một hệ thống giao thông liên
hoàn, đồng bộ ở ĐBSCL là cấp bách, nhưng lại đứng trước bài toán khó: "vốn
ít, nhu cầu đầu tư lớn". Trong điều kiện ngân sách khó khăn, phải trông
vào vốn xã hội hóa thông qua các phương thức BOT, BTO, PPP... để có được hệ
thống cầu đường tốt hơn, hoàn chỉnh hơn cho ĐBSCL.
Nhưng mặt
trái của "xã hội hóa giao thông" cũng lại là một "điểm
nghẽn" khác mà các nhà quản lý phải có trách nhiệm giải quyết. Bởi sự kiện
"trạm thu phí Cai Lậy"
và hơn chục trạm thu phí khác đã và đang triển khai ở khu vực này chưa phải là
lời giải tốt nhất cho bài toán hạ tầng ở ĐBSCL.
Chỉ khi các nhà quản lý
giải được bài toán vốn cho hạ tầng nói chung và ĐBSCL nói riêng, viễn cảnh
đường về ĐBSCL thông suốt mới thành hiện thực.
Nhận xét
Đăng nhận xét