Tích tụ ruộng đất nhìn từ thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 1: Tích tụ ruộng đất - yêu cầu đến hồi cấp bách
Bài và ảnh: NGUYỄN BÁ - THÚY AN
QĐND - LTS: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là
vùng sản xuất lúa, vựa trái cây, diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả
nước. Tuy nhiên, đứng trước quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn, các tỉnh ĐBSCL đang còn những “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển, mà
một trong số đó là vấn đề tích tụ ruộng đất. Lợi ích của việc tích tụ ruộng đất
đã được chỉ ra, nhưng những băn khoăn về mặt trái của việc tích tụ ruộng đất
cũng còn nhiều.
ĐBSCL là vùng có thế mạnh
về nông nghiệp, tuy nhiên, thời gian gần đây sản xuất ở lĩnh vực này liên tiếp
xuất hiện các dấu hiệu có chiều hướng đi xuống. Tốc độ tăng trưởng đang giảm
dần và bộc lộ những yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ,
thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp, trong khi cạnh tranh giữa các
quốc gia ngày càng gay gắt. Kèm theo đó là tình trạng hạn, mặn do biến đổi khí
hậu khiến nông dân thiệt hại ngày càng lớn.
Cần nền nông nghiệp quy mô
lớn
Theo ông Trần Hữu Hiệp,
Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh
mún, thiếu liên kết chặt chẽ trong các mô hình kinh tế tập thể, không sản xuất
theo chuỗi và cánh đồng lớn là những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt hạn chế khác
tại vùng. “Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ đã dẫn đến tổn thất sau thu hoạch lúa
trong vùng ĐBSCL ở mức 12% về khối lượng và 13% về giá trị thương mại. Tổng tổn
thất ở mức 25% tương đương với 5 triệu tấn lúa mỗi năm, trị giá 25.000 tỷ
đồng”, ông Hiệp cho biết.
Từ thực tế trên, các
chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ĐBSCL phải tính đến chuyện thay đổi để vực dậy
nền nông nghiệp. Bởi từ chỗ rất khó khăn, thiếu lương thực, đến nay Việt Nam đã
có bước tiến lớn nhờ những chính sách trong nông nghiệp như Khoán 10, Khoán 100
lấy kinh tế hộ làm hạt nhân. Nhưng khi hội nhập với thế giới, mô hình này không
còn phù hợp.
Theo nhận định của đồng
chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban
Kinh tế Trung ương tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến
trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, mô hình kinh tế
nông hộ đã hoàn thành sứ mệnh, đã đến lúc phải nhường chỗ cho sản xuất hàng hóa
lớn để tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu. “Trong bối cảnh hiện
nay, khi nền nông nghiệp đang bộc lộ những hạn chế thì tích tụ ruộng đất rất
cần thiết”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Hạn điền tại các vùng sản xuất nông nghiệp |
Làm giàu nhờ diện tích
canh tác lớn
Theo Tổ chức Hợp tác
phát triển Đức (GIZ), hộ chuyên lúa phải có ít nhất 2ha thì mới vượt qua ngưỡng
đói nghèo, ít nhất 3ha mới có thể làm giàu, còn nông hộ nhỏ lẻ như hiện nay thì
khó thoát nghèo. Minh chứng thực tế từ nhiều địa phương cho thấy, những nông
dân tích tụ được 40-50ha hay cả trăm héc-ta để trồng lúa và nuôi tôm không
phải hiếm. Việc tích tụ ruộng đất đã xuất hiện tại nhiều nơi và họ không nghèo
đi mà đang khá giả lên.
Nổi bật là vùng đất An
Giang, đến các huyện miền núi như Tri Tôn, Thoại Sơn,... không khó để tìm gặp
những “đại gia” nông nghiệp. Một trong những số đó phải kể đến ông Nguyễn Lợi
Đức, ngụ ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn. Sở hữu vài chục héc-ta đất,
biết đầu tư tiền vốn, khoa học-kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi giá trị, gia đình
ông Đức đã làm giàu từ nghề nông.
Theo thống
kê, toàn huyện Thoại Sơn có hơn 36.000ha, trong đó có khoảng 10% người có ruộng
từ 30-40ha đất. Riêng ở xã Tây Phú có 70% dân ở huyện khác hoặc người ngoài
tỉnh đến mua đất với số lượng trên hàng trăm công (1 công bằng 1.000m2). Trên mảnh ruộng ấy giờ đang sinh lời hàng trăm
triệu đồng/ha so với trước đây chỉ vài chục triệu đồng. Người tích tụ và người
cho thuê đều bỏ túi những khoản lợi nhuận lớn hơn.
Sở hữu hơn 100ha đất
trồng khóm (dứa), cơ sở thu mua hoạt động suốt ngày, ông Dương Văn Thanh (Bảy
Thanh), ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cũng thuộc hàng
“tỷ phú nông dân”. Ngoài trang trại ở quê nhà, ông Thanh còn thuê đến 35ha đất
để trồng khóm ở Tây Ninh. Ông Thanh chia sẻ: “Bây giờ, muốn giàu phải làm ăn
lớn, không có đất thì thuê. Nông dân giỏi không thiếu, chỉ lo cơ chế, chính
sách có ủng hộ mình hay không mà thôi. Nếu cho sở hữu diện tích lớn và có thêm
chính sách ưu đãi, số đất này tôi sẽ không thuê mà mua đứt luôn từ chục năm
trước”.
Vẫn còn các ý kiến khác
nhau
Chủ trương khuyến khích
tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã
được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, đó là "khuyến khích
tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về
quy mô và điều kiện của từng vùng". Có thể thấy, về lý luận và thực tiễn,
việc tích tụ, tập trung ruộng đất là bước đi cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của
thực tế, tạo điều kiện để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa
nông nghiệp, nông thôn.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ
tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời nhận định, tích tụ ruộng đất là yếu tố
cần thiết để doanh nghiệp làm nông nghiệp có thể tổ chức được sản xuất quy mô
lớn, giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng nhờ áp dụng khoa học công nghệ
vào sản xuất; xây dựng được thương hiệu, tính toán được thị trường. Đồng tình
với nhận định trên, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho
rằng: “Không nên cản trở tích tụ ruộng đất vì nó đang diễn ra tự nhiên. Song,
nếu có chính sách giao đất, gia tăng lợi ích thì nên giao cho những người canh
tác chứ không phải giao cho những đối tượng lợi dụng gom đất nhằm mục đích đầu
cơ, trục lợi. Đặc biệt, cần quản lý chặt quy hoạch để không bị lợi dụng gây
thiệt hại cho nông dân”.
Bên cạnh các ý kiến đồng
thuận vẫn còn không ít băn khoăn trong giới chuyên gia, người nông dân cũng như
những người làm chính sách về chủ trương tích tụ ruộng đất. Một số ý kiến cho
rằng, việc mở rộng hạn điền, tích tụ đất nông nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng thu
gom đất đai, hình thành lớp địa chủ mới, dẫn đến việc người nông dân bị đẩy ra
ngoài cuộc. Lo ngại này cũng có cơ sở khi mà mấy chục năm qua, trong khi nền
nông nghiệp có nhiều thành quả thì nông dân vẫn nghèo và đất đai nông nghiệp
cũng đang dịch chuyển vào các nhóm lợi ích do người nông dân chuyển nhượng
quyền sử dụng. Ông Nguyễn Văn Xia, ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng lo lắng
bày tỏ: “Tôi cho rằng không nên tích tụ ruộng đất. Bởi điều này sẽ dẫn đến tình
trạng phân hóa trong tầng lớp nhân dân và nguy cơ “điền chủ” là không tránh
khỏi”.
(còn nữa)
Nhận xét
Đăng nhận xét