TTO -
Mặt trời chếch bóng, anh Huỳnh Hữu Hiệp thong thả chèo chiếc ghe gỗ men theo
mương nước phía sau nhà đi cắt cỏ cho bò.
Khoảng 5 phút chèo ghe, một cánh đồng cỏ voi, cỏ alfalfa (linh lăng) xanh
um hiện ra trước mắt. Xen giữa là hàng dừa xiêm đã cho trái vụ đầu. Vườn dừa,
cỏ xanh um này cách đây hơn 2 năm là cánh đồng lúa "năm được, năm
thất" của gia đình anh.
Nông
dân Hữu Hiệp chèo ghe đi cắt cỏ. Ảnh: Mậu Trường
Trồng cỏ nuôi bò
Mới 3 năm trước đây thôi, mỗi năm đầu tắt mặt tối làm đều đặn 3 vụ lúa trên
4 công đất ruộng, song cuộc sống gia đình nông dân Huỳnh Hữu Hiệp (39 tuổi, ngụ
thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) vẫn thiếu trước hụt sau.
Hầu như năm nào cũng rơi vào tình trạng được mùa, mất giá hoặc phải thấp
thỏm canh mặn. Đỉnh điểm là vụ mùa 2015 -2016, trong đợt hạn, mặn lịch sử toàn
bộ 4 công lúa của gia đình anh Hiệp bị mất trắng.
"Thiệt hại về lúa vụ đó mất khoảng trên 10 triệu đồng. Điều khiến tôi
đau đầu hơn là lúa mất nên không có rơm cho bò ăn, phải đi mua với giá cắt cổ.
Mỗi tháng nuôi 2 con bò cũng tốn khoảng 300.000 đồng tiền mua rơm", anh
Hiệp kể.
Sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, anh Hiệp quyết định lên liếp toàn bộ diện
tích lúa để trồng dừa, trồng cỏ - một quyết định vô cùng khó khăn đối với anh
lúc đó vì ở vùng này chưa có nhiều người mạnh dạn bỏ cây lúa.
Thời điểm anh mướn người lên liếp trồng dừa, trồng cỏ nhiều người cũng
khuyên can vì cho rằng đó là hướng đi mạo hiểm, rằng: "Thời gian chờ dừa
ra trái để bán thì lấy cái gì để ăn?". Bỏ qua tất cả, học tập những mô
hình đã thành công tại các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre như Ba Tri, Thạnh
Phú, anh quyết tâm làm.
Nhận thức được dừa sẽ mất một thời gian dài mới cho thu hoạch, anh Hiệp đầu
tư trồng cỏ nuôi bò, lấy ngắn nuôi dài. Thế là mọi chuyện đã khác đi. Nhờ
chuyển đối cơ cấu cây trồng hợp lý, gia đình anh Hiệp bớt nhọc nhằn khi đã có
nhiều nguồn thu nhập khác nhau.
Quả ngọt
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập sâu và kéo dài, từ
năm 2015 đến nay, Bến Tre chuyển đổi 7.200ha đất sản xuất (đất lúa và vườn tạp
kém hiệu quả) sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Trong diện tích đất lúa của các huyện Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri và Thạnh
Phú chủ yếu chuyển đổi sang các loại cây trồng như: dừa, rau màu và trồng cỏ
nuôi bò, dê hoặc nuôi trồng thủy sản.
ông Võ
Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT
tỉnh Bến Tre), đánh giá trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp,
hạn mặn ngày càng khốc liệt, hướng chuyển đổi cây trồng của người dân như mô
hình của gia đình anh Hữu Hiệp góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền
vững. Được biết, Bến Tre hiện có đàn bò khoảng 170.000 con.
Đứng trước vườn dừa xen lẫn giữa đồng cỏ, anh Hiệp phấn khởi nói: "Chỉ
vài năm nữa thôi, vườn dừa này sẽ cho trái ổn định. Với 4.000m2 đất
trồng dừa, mỗi tháng thu hoạch khoảng 1.000 trái dừa uống nước và theo giá thị
trường hiện nay khoảng trên 100.000 đồng/chục (12 trái), mỗi tháng cũng kiếm
được dăm bảy triệu đồng".
Sau 2 năm, anh Hiệp đã có 4 con bò. Mới đây anh xuất chuồng được 1 con với giá
gần 20 triệu đồng. "Nếu có vốn, tôi sẽ tiếp tục phát triển đàn bò của mình
vì lượng cỏ dư còn khá nhiều", anh Hiệp tính.
Khác với làm lúa trước đây, giờ chuyển qua làm vườn và nuôi bò nên anh Hiệp
cũng có nhiều thời gian và chủ động được công việc của mình hơn trước. Thời
gian gần đây, thấy gia đình anh Hiệp chuyển hướng làm ăn hiệu quả nên nhiều hộ
dân xung quanh cũng chuyển đất lúa lên liếp trồng dừa, trồng cỏ cho bò.
Anh Hiệp nhận công lên liếp cho người khác, mỗi ngày cũng kiếm được thêm
trên dưới vài trăm ngàn đồng.
Nông dân Nguyễn Văn Hậu, nhà ở gần nhà anh Hiệp, cho biết trước đây anh
cũng từng có ý định chuyển hơn 10 công đất lúa sang trồng dừa nhưng chưa dám vì
sợ thất bại. Tuy nhiên, thấy mô hình của anh Hiệp thành công bước đầu, mới hồi
đầu năm 2018, anh Hậu đã thuê cobe lên liếp trồng dừa. Ngoài đàn bò gần 10 con
đang nuôi, anh Hậu đang có ý định tậu thêm một đàn dê để tận dụng hết cỏ trồng
xen.
Theo
anh Hiệp, so với trước đây làm ruộng, thì giờ làm vườn, trồng cỏ nuôi bò cho
thu nhập cao hơn, bền vững hơn. Ảnh: Mậu Trường
"Hiện nay, giá bò đang xuống nhưng những hộ dân chủ động được nguồn
thức ăn như gia đình tôi và gia đình anh Hiệp cũng không lo lắng. Cỏ thì mình
trồng sẵn cho cả đàn bò ăn thoải mái, thậm chí có thể phát triển thêm đàn bò
lên quy mô lớn rồi lấy phân bò bán cũng có tiền", anh Hậu nói.
MẬU TRƯỜNG
Chuyển
đổi sinh kế hiệu quả
TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế)
Những năm qua đã có nhiều hộ nông dân
chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ độc canh cây lúa bấp bênh sang đa canh kết
hợp, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế gia đình. Thực tế cho thấy hiệu quả của
việc chuyển đổi này nông dân đang đứng trước cơ hội và thách thức đan xen nhau,
phụ thuộc vào sự chuyển đổi sinh kế thích hợp hay không.
Người có vốn, kỹ thuật và quản lý tốt sẽ
đầu tư phát triển kinh tế nông hộ, trang trại. Quy mô đầu tư lớn hơn, thâm canh
hay chuyên canh đòi hỏi trình độ quản lý, ứng dụng kỹ thuật cao trong nông
nghiệp và dịch vụ. Nhưng hộ ít đất, kỹ thuật thấp và đáp ứng thị trường kém thì
phải bán đất, bước ra ngoài khu vực nông nghiệp.
Hộ có đất, thiếu kỹ thuật và vốn đầu tư
cần tham gia kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoặc công ty cổ phần nông nghiệp để đủ
sức cạnh tranh. Nếu không tạo được việc làm mới, thiếu vốn, kiến thức kỹ năng
và không chuyển sang được khu vực phi nông nghiệp hiệu quả hơn, thì nông dân
thất nghiệp và nghèo khó.
Do vậy,
cần nhiều hơn các cơ chế, chính sách khuyến khích nhà nông chuyển đổi sinh kế
hiệu quả, tăng cường liên kết hợp tác, nâng cao năng lực nông dân, tăng thu
nhập và tạo cơ hội việc làm cho các mô hình nông dân chuyển đổi sinh kế bền
vững để tránh vòng luẩn quẩn chuyển đổi với câu hỏi "trồng cây gì, nuôi
cây gì?" bấy lâu nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét