Trần Hữu Hiệp
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ sở hữu vẻ vẻ
đẹp thiên nhiên, mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc.
Từ đó, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình, từ du lịch
sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, du lịch nghiên cứu, nghỉ dưỡng, văn
hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống đến du lịch biển đảo chất lượng cao. Khu
vực này còn có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP.HCM, các vùng, miền
trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mekong.
Đề án "Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL"
xác định sản phẩm du lịch xanh đặc thù "Thế giới sông nước Mê Kông"
thể hiện những giá trị cốt lõi trên của du lịch vùng.
Thời gian qua, Hiệp hội du lịch ĐBSCL cùng với các địa phương,
doanh nghiệp trong vùng và TP.HCM đã có nhiều nỗ lực liên kết vùng, tiểu vùng,
"bắt tay nhau" tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù như "Một điểm
đến, bốn địa phương +", công nhận và sử dụng sản phẩm du lịch của nhau,
hướng đến việc áp dụng nhãn du lịch bền vững "Bông Sen xanh" trong hệ
thống cơ sở lưu trú du lịch… để khai thác "lợi thế dùng chung" và đặc
thù của từng nơi nhằm tạo nên sức hấp dẫn mới cho du khách.
Quy hoạch phát triển du lịch vùng xác định "hai không gian
du lịch": phía Tây và phía Đông. Yêu cầu "tích hợp" các tour,
tuyến, điểm du lịch, kết nối với TP.HCM, miền Đông Nam Bộ, tạo sức hấp dẫn cho
"Một vé đến với đồng bằng". Đồng thời, xây dựng Cần Thơ và đảo Phú Quốc
trở thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng chưa được đầu tư đúng mức,
khai thác hiệu quả. Điểm yếu được nhận diện thời gian qua chưa khắc phục được
là thiếu sự điều phối liên kết yếu kém. Liên kết phát triển du lịch vùng mới
thể hiện ở tầm nhìn, cam kết chung, thiếu nhiều hành động cụ thể để hiện thực
hóa. Cách làm du lịch ở nhiều nơi còn thiếu chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch chủ
yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn.
Tình trạng kém hấp dẫn và không rõ tính khác biệt của các sản phẩm du lịch của
vùng thể hiện rõ qua việc các địa phương khai thác các giá trị tương đồng mà
chưa nhìn nhận được các giá trị đặc thù và tính kết nối và tích hợp tốt.
Một mình không làm nên chợ, nhưng nhiều nơi còn đứng riêng. Nỗ
lực xây dựng cơ chế liên kết tiểu vùng, liên kết vùng phát triển du lịch hay
các sản phẩm du lịch "Một điểm đến, bốn địa phương +" hay "sử
dụng sản phẩm du lịch của nhau" trong khác biệt đang có dấu hiệu nhạt
nhòa.
Tăng cường xúc tiến du lịch là vấn đề quan trọng đã được thảo
luận qua nhiều diễn đàn gần đây, nhưng làm thế nào để "mở khóa" cho
ngành du lịch ĐBSCL vẫn đang chờ đợi những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.
Làm được điều đó, việc liên kết sẽ tạo được điểm đến thực sự cho
du khách yêu mến vùng ĐBSCL.
Nhận xét
Đăng nhận xét