TS. Trần Hữu Hiệp
TTO - Cách
nay hơn một năm tại Cần Thơ, Chính phủ tổ chức "Hội nghị Diên Hồng"
phát triển ĐBSCL với cách tiếp cận tổng hợp, tư duy kiến tạo, thích ứng thuận
theo tự nhiên và yêu cầu quy hoạch tích hợp. Các quyết sách lớn từ hội nghị đã tạo ra
nhiều kỳ vọng mới cho đồng bằng.
Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển
bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành sau hội nghị, nay
đã qua "tuổi thôi nôi". Đã có nhiều hội nghị, hội thảo được tổ
chức, nhưng phần nhiều nội dung được kỳ vọng vẫn còn nằm trên giấy. Trong đó nổi lên là các điểm nghẽn về nguồn vốn đầu tư, tổ chức bộ máy
thực thi và thiếu các sản phẩm quy hoạch tích hợp phục vụ yêu cầu liên kết
vùng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của trung ương và địa phương.
Lung linh cầu đi bộ trên bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ |
Phát triển vùng vẫn còn nguyên những tồn
tại, vướng mắc do chồng chéo, níu kéo nhau của hơn 2.500 bản quy hoạch, tính
khả thi không cao. Trong khi thể chế hiện hành xác định rõ cấp trung ương
và cấp địa phương, đến nay vẫn chưa rõ "chủ thể vùng". Mặc dù nghị
quyết 120 đã quyết nghị việc thành lập hội đồng điều phối vùng, nhưng đến nay
chưa định được hình hài.
Việc phân bổ ngân sách cho các chương
trình, dự án đầu tư liên kết vùng mang tính tích hợp, vượt ra ngoài không gian
hành chính tỉnh và nội bộ một ngành đến giờ vẫn luôn bị vướng mắc bởi nhiều quy
định của Luật ngân sách, Luật đầu tư công, Luật tổ chức chính quyền địa
phương. Nhiều nội dung quan trọng, then chốt như thực hiện "cơ chế
tài chính sáng tạo" để tạo vốn đầu tư chương trình, dự án liên kết vùng
đến nay chưa thực hiện được. Yêu cầu xây dựng trung tâm thông tin, dữ liệu
vùng thì làm chậm, đang có xu hướng chỉ đi theo chuyên ngành. Với thực tế hiện nay, ĐBSCL đang rất cần sớm ban hành chương trình hành
động tổng thể, không chỉ của riêng ngành nào, tỉnh nào để triển khai thực hiện
hiệu quả nghị quyết 120.
Cần thành lập hội đồng điều phối vùng có
thực quyền, tập trung ba lĩnh vực then chốt là điều phối quy hoạch, quản lý, sử
dụng tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư có tính liên kết vùng theo
quy mô, tính chất dự án. Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống
nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên
các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát
triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế điều
phối và vận hành Trung tâm thông tin dữ liệu vùng để bảo đảm cung cấp thông
tin, dữ liệu chính xác, kịp thời cho việc ra quyết định của hội đồng điều phối
vùng và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây
dựng và triển khai thực hiện cơ chế liên kết hiệu quả các tiểu vùng Đồng Tháp
Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng giữa sông Tiền, sông Hậu và
ven biển phía đông.
Ðể tạo được sự thay đổi về chất trong liên
kết phát triển vùng, cần hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực theo các
tiểu vùng và toàn vùng. Phải giải được bài toán đầu ra nông sản ngay từ
đầu vào, việc tổ chức các kênh phân phối đủ sức cạnh tranh.
Tầm nhìn dài hạn trước thách thức, cạnh
tranh cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương lai đòi
hỏi phải vượt qua các điểm nghẽn trước mắt trong việc thực thi nghị quyết 120. Nếu không, các quyết sách sẽ vẫn tiếp tục nằm trên giấy.
Nhận xét
Đăng nhận xét