Trần Hữu Hiệp
TTO - “Sorry airlines” - cách nói hài hước mà hành khách dành cho các hãng
hàng không thường xuyên trễ giờ, hủy chuyến. Các chuyến bay “giờ dây thun” gây
khó chịu, thiệt hại vật chất, công việc, thời gian của hành khách và hình ảnh
ngành hàng không.
Hành khách vạ vật tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM chờ đến giờ bay của một
hãng hàng không - Ảnh: Q.ĐỊNH
Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT ngày 25-8-2017 của Bộ Giao thông vận tải đã
quy định rõ về chất lượng dịch vụ hành khách và trách nhiệm bồi thường của hãng
hàng không. Theo đó, hãng sẽ bồi thường bằng dịch vụ hoặc bằng tiền từ 100.000
- 300.000 đồng đối với các chuyến bay nội địa, 25 - 150 USD đối với chuyến bay
quốc tế bị trễ, hủy chuyến.
Nhưng tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến vẫn chậm khắc phục, những ngày qua
xảy ra liên tục nhiều vụ hủy, hoãn chuyến. Khi số máy bay được mua sắm nhiều
hơn, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn nhờ có nhiều hãng bay và số chuyến bay bị
trễ, bị hủy nhiều hơn.
Theo thông tin từ Cảng vụ hàng không Miền Nam, chỉ tính riêng sân bay Tân
Sơn Nhất trong tháng 10-2018 đã có 1.240 chuyến bay chậm giờ, tăng 15,3% và 69
chuyến hủy, tăng 61% so với cùng kỳ tháng trước. Tần suất các chuyến bay bị
trễ, bị hủy ở các sân bay nhỏ hơn, hạ tầng và dịch vụ kém hơn cũng là con số không nhỏ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Yếu tố thời tiết, yêu cầu đảm
bảo an ninh đã được loại bỏ khỏi trách nhiệm bồi thường của các hãng hàng
không.
Song còn có 1.001 lý do khác và hẳn nhiên hành khách phải chịu thiệt thòi
trước tiên, từ các lý do có yếu tố kỹ thuật đến chất lượng dịch vụ hàng không,
các vấn đề về hành khách. Các quy định trách nhiệm bồi thường chưa đủ mức răn
đe để các hãng hàng không phải có trách nhiệm chăm lo thương hiệu của mình tốt
hơn.
Thực tế khi xảy ra tình trạng trễ, hủy chuyến, nhiều khi rất khó xác định
trách nhiệm bồi thường do tính dây chuyền của nó. Bên cung cấp dịch vụ dễ đổ
lỗi do của nhiều bên liên quan. Chuyến bay này chậm giờ kéo theo chuyến bay
khác. Có thể những trò đùa tai hại của hành khách cũng dẫn đến tình trạng chậm,
hủy chuyến bay, nhưng trên hết vẫn là trách nhiệm của các hãng hàng
không.
Cùng với các thông tin cần thiết, các cảng vụ, sân bay có thể công khai
thông tin về các chuyến bay bị trễ, hủy chuyến của từng hãng hàng không. Và đó
chính là chỉ số "năng lực cạnh tranh" thực tế của các hãng hàng không
mà hành khách cần được biết để lựa chọn thương hiệu có uy tín hơn, thay vì
những công bố xếp hạng này nọ. Đó cũng chính là cách "chế tài" để các
hãng phải luôn có trách nhiệm với hành khách, gìn giữ và nâng cao giá trị
thương hiệu cho mình.
"Đúng giờ bay" không chỉ dành riêng cho các hãng hàng không. Để
giảm tình trạng trễ, hủy chuyến rất cần sự phối hợp của cơ quan quản lý, các
doanh nghiệp dịch vụ, bộ phận quản lý bay và của cả hành khách. Con đường đi
của các hãng bay từ "sorry airlines" đến "very good
airlines" nhanh hay chậm, dài hay ngắn không phụ thuộc vào không gian vật
lý và vận tốc bay, mà chính là khoảng cách trách nhiệm, ý thức và những nỗ lực
mang tính chuyên nghiệp hơn của các bên liên quan.
Nhận xét
Đăng nhận xét