Trần Hữu Hiệp
Báo Đại biểu Nhân dân - Thứ Hai, 14/08/2023, 04:45
Chuyến thăm chính thức
Iran, Indonesia và tham dự AIPA-44 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có lịch
trình dày đặc với khoảng 60 hoạt động. Kết quả hoạt động ngoại giao quan trọng
đã tăng cường kết nối, mở ra không gian phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan
hệ hợp tác tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia này. Giới đầu tư,
kinh doanh, thương mại quan tâm theo dõi kết quả của chuyến đi, các cam kết,
thỏa thuận giữa lãnh đạo 3 nước đang mở ra nhiều kỳ vọng mới.
Dấu mốc quan trọng mở rộng quan hệ hợp
tác Việt Nam - Iran
Iran có mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Việt Nam và Iran là những nền kinh tế năng động ở châu Á, với nhiều lợi thế không cạnh tranh kiềm chế trực tiếp nhau mà có thể bổ sung cho nhau. Cả 2 nước đều sở hữu thị trường lớn với quy mô trăm triệu dân, dân số trẻ đông, lao động dồi dào, năng động, tỷ lệ người dân tiếp cận internet cao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Iran
Chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn
ra vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, là dấu mốc quan
trọng, tạo bước đột phá để mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa 2 quốc gia và
quốc hội 2 nước.
Hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động gặp gỡ, kết nối
giữa địa phương, doanh nghiệp hai nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh,
đầu tư; tạo điều kiện cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước thâm nhập vào thị
trường của nhau. Theo đó, trong thời gian tới, Iran sẽ tăng cường nhập khẩu các
mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, chè, hạt tiêu, cà phê, cao su; đồng
thời đẩy mạnh xuất khẩu hoa quả khô, trái cây đặc sản vùng Trung Đông sang Việt
Nam và cam kết tăng cường hợp tác trong sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn
Halah.
"Ngoại giao nghị viện ngày càng
thể hiện vai trò quan trọng, phát huy sức mạnh mềm để góp phần làm sâu sắc hơn
quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác".
Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác hải quan,
nối lại các cơ chế hợp tác giữa hai nước như Ban Công tác chung về hợp tác ngân
hàng, Nhóm công tác về thương mại… để tìm kiếm các biện pháp đột phá cho hợp
tác kinh tế, thương mại. Giới đầu tư, kinh doanh, thương mại đặc biệt quan tâm
các chia sẻ, cam kết, thỏa thuận hợp tác giữa các nhà lãnh đạo trong việc củng
cố 4 kết nối quan trọng.
Kết nối cơ chế đối thoại và hợp
tác là tiền đề quan trọng.
Quan hệ truyền thống và tin cậy chính trị là vốn quý, là nền tảng. Cơ chế đối
thoại và tôn trọng lẫn nhau là cách thức để tăng cường hợp tác cùng có lợi.
Kết nối số, khoa học công nghệ và giao
thông. Đây vừa là hướng
đi, vừa là giải pháp cho hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Kết nối số và khoa
học công nghệ có thể xóa rào cản về địa lý, mang lại giá trị gia tăng cao, ưu
tiên các lĩnh vực viễn thông; công nghệ thông tin; chuyển đổi số; các công nghệ
mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ nano để cùng nhau
mở ra cánh cửa tương lai mà cả 2 nước đang rất quan tâm và có nhiều tiềm năng
phát triển. Bên cạnh đó, các tuyến giao thông hàng hải, hàng không giữa hai
nước sẽ hòa cùng các kết nối giũa 2 khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.
Kết nối về thương mại - đầu tư được các nhà đầu tư, kinh doanh thương mại đặc biệt
quan tâm, 2 nước cam kết tạo thuận lợi thương mại cho nhau để hàng hóa, dịch vụ
thâm nhập thị trường của nhau, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp hai
nước tăng cường kết nối thương mại và đầu tư. Các cơ quan Nhà nước tháo gỡ các
khó khăn, đề ra các sáng kiến mới để cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác
ngày càng có hiệu quả.
Kết nối con người với con người được Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề xuất tăng cường trên cơ
sở tương đồng về văn hóa. Trong đó, du lịch và giáo dục được xem là hai cầu nối
quan trọng, giúp cho tình hữu nghị của người dân và thế hệ trẻ hai nước ngày
càng bền chặt hơn.
Việt Nam - Indonesia: Nâng tầm đối tác
chiến lược, gắn kết lợi ích tương đồng
Indonesia là thị trường đông dân nhất Đông Nam Á, dân số
đứng thứ 4 thế giới. Trong lĩnh vực kinh tế, Indonesia là đối tác quan
trọng hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam. Việt Nam cũng
là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Indonesia với tổng kim ngạch thương mại
đạt 14 tỷ USD vào năm 2022 và con số này có thể tăng hơn trong những năm tới.
Việt Nam và Indonesia hoàn toàn có thể tăng cường tạo thuận
lợi thương mại cho nhau, không áp đặt các rào cản thương mại phi thuế quan,
tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong việc duy trì các chuỗi cung
ứng hiện có, hợp tác để hình thành và cùng nhau phát triển các chuỗi cung ứng
mới có tính chiến lược mà hai bên có thế mạnh.
Hai bên có thể hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng mới,
có nhiều tiềm năng phát triển như kinh tế xanh, chuyển đổi số và các lĩnh vực
kỹ thuật số; phát triển cơ sở hạ tầng; tạo bước chuyển mới về hợp tác hàng hải,
hợp tác biển và nghề cá, phát triển du lịch trên cơ sở gắn kết lợi ích tương
đồng.
Chuyến thăm chính thức Indonesia và Iran của Chủ tịch Quốc
hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta khẳng định sự
coi trọng của Việt Nam trong ưu tiên phát triển, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu
nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống tại Đông Nam Á và
Trung Đông, mở ra không gian phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác
tin cậy lẫn nhau giữa với các quốc gia thuộc 2 khu vực quan trọng này.
Nhận xét
Đăng nhận xét