Những giọt mồ hôi trong phòng lạnh
Một tuần sau, Mỹ đã
quyết định trở về quê khi không còn cách nào để xoay xở. Suốt mấy ngày qua, tin
nhắn của đồng nghiệp vẫn chỉ là những lời than thở: “Bữa nay tới lượt con
Sương, con Thảo nghỉ nữa rồi”. Sau khi “đàm phán” với chủ nhà xin khất nợ 4
tháng tiền trọ, trong túi Mỹ còn khoảng 300.000 đồng, và theo Mỹ, nó đủ để giúp
2 mẹ con đi từ An Giang về quê bằng xe máy.
Mỹ, hay con Sương, con
Thảo là “nạn nhân” trong câu chuyện các doanh nghiệp thủy sản bị cắt giảm đơn
hàng, kéo theo hệ lụy là hàng ngàn công nhân lao động bị mất việc, giãn việc.
Quê Mỹ ở thành phố Cà Mau,
mà độ 20 năm trước vẫn còn hoang vu với ngút ngàn lau sậy. Ngày Tập đoàn Thủy
sản Minh Phú về “đóng đô” đã khiến vùng quê nghèo xôm tụ, lũ lượt chị em phụ nữ
rủ nhau vào nhà máy lột tôm.
Đến giờ, bà Tám Lập vẫn
còn nhớ như in cảm giác hai bàn tay đau rát vì nước ăn. Bà kể, gái quê hồi đó
chủ yếu làm nội trợ, lo đồng áng với phần lớn thời gian là “nông nhàn”, tức
rảnh rỗi không có việc gì làm. Nên khi có nhà máy, bà, rồi đến Út Hiền, vợ Sáu
Lanh… đã chuyển qua “nghề thợ”.
Những ngày con nước 15
hay 30, từng chuyến xe đầy ắp tôm được chở vào nhà máy. Công nhân làm không
xuể, phải thuê lao động thời vụ đến lột tôm. “Mình đi làm từ khoảng 11 giờ tối
hôm nay, đến khoảng 5-6 giờ chiều hôm sau thì về. Mỗi ký tôm, nếu lột đẹp, còn
nguyên đuôi được trả công 1.200đ/kg, còn bị đứt đuôi, giá thấp hơn”.
Bà Tám Lập nói và cho
biết, công việc, tuy không liên tục nhưng giúp cuộc sống gia đình đỡ hơn, có
thêm điều kiện để lo cho con ăn học. Mấy đứa con gái trong nhà, lớn lên một
chút cũng theo mẹ đi lột tôm. Và, với những thiếu nữ ngày nào như Mỹ Lệ hay Quyên,…
đã có thể tự mua cho mình quyển tập, cây viết, dù đôi bàn tay khô rát vì nước
ăn.
10 năm trước, Trần Thị
Quyên (SN 1992, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) vào làm trong một nhà máy thủy sản.
Sau 3 tháng thử việc, Quyên trở thành công nhân chính thức, khoác lên mình bộ
đồ bảo hộ trong tâm trạng vừa mừng (vì có việc làm), vừa lo (vì không biết có
chịu nổi áp lực hay không). Quyên kể, những ngày đầu, cô phải đứng liên tục hơn
10 tiếng đồng hồ để làm công việc nhúng bột tôm. Nếu nhúng bột ướt thì mỗi lần
một con, còn nhúng bột khô mỗi lần đến 10 con. Trên băng chuyền, từng hàng tôm
cứ chạy ra liên tục, Quyên luýnh quýnh, căng thẳng, rồi tìm đủ cách trấn an
mình để làm việc.
Hết giờ làm, Quyên cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, như được trút đi
một gánh nặng. “Nhưng em biết, vì cuộc sống, ngày mai, mình lại sẽ phải mặc
nó”, Quyên nói.
Một bữa nọ, nữ đồng
nghiệp đứng cạnh Quyên bị ngất xỉu, phải đưa đến bộ phận y tế chăm sóc. Sợ mấy
đứa nhỏ hoang mang, chị Tú (làm việc trong xưởng gần 10 năm) chạy đến trấn an:
“Chắc nó đứng lâu chưa quen, mấy đứa làm riết là quen hết hà, hông có sao hết”.
Nhưng, 3 ngày sau, đến cả chị Tú cũng ngất xỉu. Lúc này, Quyên mường tượng đến
một lúc nào đó mình cũng… xỉu. Và, Quyên đã xỉu sau những lần tăng ca liên tục.
Đồng nghiệp của Quyên, như Lan, Hương…, ngay cả thanh niên vốn khỏe mạnh như
Tuấn cũng đã xỉu. Họ nói, đời công nhân thủy sản gần như ai cũng phải xỉu, nếu
chưa xỉu thì chưa phải là công nhân thủy sản!
Cũng độ chừng 10 năm
trước, chị Phan Thị Hồng Cẩm (SN 1985) xin vào làm tại Công ty Thủy sản Ấn Độ
Dương (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), chuyên xuất khẩu cá tra. Chị kể, ở nhà máy
có rất nhiều khâu, từ lựa cá đến phân loại, xếp khuôn, tạo hình, đóng gói,
thành phẩm… Nhưng tất cả công việc đều có một đặc điểm chung là phải đứng suốt
ngày, không có chuyện được ngồi.
Những tháng vào mùa
nguyên liệu dồn dập, các công nhân phải làm việc liên tục 12-16 giờ/ngày. Và 10
năm làm nghề, đã “biến” chị Cẩm trở thành một “cái máy” đúng nghĩa. Cứ sáng sớm
chị đến công ty, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, rồi đi qua buồng khử khuẩn vào
nơi làm việc. Trên dây chuyền sản xuất, những thao tác cứ lặp đi lặp lại mỗi
ngày đến mức nhàm chán.
“Ngày mới vào làm việc,
tui muốn ngất xỉu mùi hóa chất, mùi tanh của cá…, nhưng vì cuộc sống phải tiếp
tục công việc. Có hôm đi ra đường gặp người quen gọi, không quay đầu lại nhìn
được vì cổ bị cứng đơ do đứng trong nhà máy lâu quá. Khi mình mặc đồ bảo hộ là
toàn thân kít mít, không ai nhận ra ai. Có lúc, vợ đứng gần chồng cũng không
biết. Rồi những ngày tăng ca, khi chồng về đến xóm trọ, thì cũng là lúc người
vợ vào ca. Cứ vậy, dù là vợ chồng nhưng có khi 3-4 ngày không gặp mặt”, chị Cẩm
nói.
Công
nhân làm việc tại một nhà máy thủy sản - Ảnh: Trần Lưu
Lao động vất vả trong
môi trường độc hại, ăn uống thiếu thốn, nghỉ ngơi ở các căn nhà trọ thiếu tiện
nghi tối thiểu nên công nhân (nhất là nữ) đã xuống sức rất nhanh, nhiều người
mang bệnh khi tuổi đời còn trẻ.
Lê Thị Liên (27 tuổi,
quê ở Long Phú, Sóc Trăng) từng làm việc tại Xí nghiệp Chế biến thủy sản Thái
Tân, kể: “Bên ngoài nhiệt độ rất lạnh, nhưng bên trong người thì nóng ran vì
ngột ngạt. Em đứng làm việc nhiều lúc bị chảy nước mũi và hai chân như kim đâm.
Có lúc hai chân tê buốt không còn cảm giác gì. Đau đớn là vậy nhưng vì chén cơm
manh áo phải cố gắng làm việc tiếp”. Còn Nguyễn Thị Lan, làm việc tại Công ty
TNHH Chế biến thủy sản Phương Nam, trong hơn 4 tháng đã bị xỉu trên 10 lần…
Thế nhưng, đằng sau “ánh
hào quang rực rỡ” đó, lại là những “khoảng tối mênh mông”, khi công nhân lao
động – lực lượng chính làm ra nguồn giá trị vẫn là những người nghèo mãi.
Từ thời điểm dịch
Covid-19 bùng phát, Công ty Ấn Độ Dương, nơi chị Cẩm làm việc đã liên tục bị
cắt giảm đơn hàng, buộc doanh nghiệp này phải giảm giờ làm đối với công nhân.
Rời quê (An Giang) lên
Cần Thơ đã gần 20 năm, chị Nguyễn Thị Yến Linh (SN 1980) theo người quen xin
vào làm ở công ty thuộc khu công nghiệp Thốt Nốt. Cuộc sống công nhân chật vật,
chị cưới chồng, rồi sinh 2 đứa con.
Gần 2 thập niên, chị
Linh đã vượt biết bao gian khổ với đời công nhân để lo được cho đứa lớn lên
TP.HCM học đại học. Giờ kinh tế suy thoái, doanh nghiệp khó khăn, chị bị giảm
giờ làm, cuộc sống ngày một khó. Chị nói: “Công việc bây giờ tuy vất vả nhưng
vẫn phải làm, nếu mất việc thì gần như không thể tìm công việc khác. Ở cái tuổi
trên 40, những người lao động như tui bị xếp vào loại hạn chế về tuổi tác, sức
khỏe suy giảm, vướng bận gia đình, không thể nâng cao được kỹ năng nghề, không
đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.
Nhiều lần muốn về quê để
tìm kế sinh nhai khác, nhưng nghĩ lại mình đang khó khăn, sẽ trở thành gánh
nặng cho gia đình, nên chị Linh đành bỏ ý định. Có nhà nhưng không thể về, như
lời phát biểu đầy cảm thông và chia sẻ của đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch
Tổng LĐLĐ Việt Nam: “Người công nhân có 3 cái nhà. Một cái nhà của cha mẹ ở
dưới quê, nơi họ sinh ra; thứ hai là nhà trọ, thứ ba là nhà máy. Cuộc đời họ
cứ loanh quanh từ nhà trọ đến nhà máy. Dù tạo ra sản phẩm và phát triển
kinh tế cho đất nước nhưng họ lại là đối tượng có nhiều thiệt thòi. Thu nhập
không cao, đời sống tinh thần còn nghèo nàn”.
Trong tháng 6/2023, xuất
khẩu thủy sản đối mặt với tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu
hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước; chi phí sản
xuất tăng cao; khó khăn từ các quy định về IUU... Theo đó, kim ngạch xuất khẩu
thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Trong
đó, xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 341 triệu USD (giảm 18% so với cùng
kỳ, nhưng tăng 3% so với tháng trước) và 156 triệu USD (giảm 26% so với cùng kỳ
và giảm 2% so với tháng trước. Xuất khẩu tôm và cá tra trong nửa đầu năm 2023
lần lượt đạt 1,6 tỷ USD (giảm 31% so với cùng kỳ) và 885 triệu USD, giảm 38% so
với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Quang Thụ,
Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính, Chủ tịch CĐCS Công ty Thủy sản Ấn Độ Dương
(TP Cần Thơ) cho biết, nếu như trước đây, mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 280
tấn cá tra thì hiện tại con số này đã giảm 30%. Nhờ sự chủ động, nên giữa bối
cảnh xuất khẩu đang khó khăn, công ty đã chuyển hướng nắm bắt thị trường nội
địa. Mỗi ngày có một đơn vị trong nước tiêu thụ 40 container cá tra. Điều này
đã giúp cho công ty tiếp tục cầm cự, và quan trọng hơn là duy trì việc làm cho
2.300 công nhân (dù giãn việc nhưng chưa mất việc).
Tuy nhiên, ông Thụ nhận
định, “cứu cánh” cho ngành Thủy sản hiện nay không thể đến từ cách làm riêng lẻ
của một đơn vị; mà nó phải đến từ những giải pháp tổng thể, hiệu quả với những
định hướng, sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp. Dự báo từ nay đến
cuối năm, ngành Thủy sản sẽ còn khó khăn hơn trước áp lực về tiền thưởng cho
hàng chục ngàn công nhân lao động.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh
tế ĐBSCL, cho rằng: Thực trạng yếu kém của chuỗi giá trị thủy sản nước ta nói
chung và ngành tôm, cá tra nói riêng đã được nhận diện nhiều năm qua. Nguyên
nhân là khi giá thị trường xuống thấp, "hiệu ứng đôminô đói vốn" lây
lan khiến doanh nghiệp, người nuôi, đại lý cung cấp thức ăn, thuốc thủy sản,
ngân hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau.
Chúng ta có được một vài tập đoàn thủy
sản hàng đầu thế giới, nhưng phía sau thành tích đó là đầy ắp những lo toan, có
lúc hàng loạt đại gia ngành hàng thủy sản vỡ nợ, người nuôi tôm, cá tra thua lỗ
nặng chứ không chỉ do tác động của Covid-19. Tình trạng khai thác thủy sản vi
phạm thẻ vàng IUU, những người làm ăn chụp giật, bơm tạp chất, đánh mất hình
ảnh thủy sản Việt.
Ông nêu thêm, khi xảy ra một đợt hạn
mặn khốc liệt, thông thường người ta chỉ thống kê thiệt hại bao nhiều héc-ta
lúa, sụt giảm bao nhiêu tấn lương thực…, mà quên đi những “di chứng” đang âm ỉ
trong mỗi gia đình. Khi đất đai không thể canh tác, đã tạo nên làn sóng di cư
với 1,3 triệu cư dân đồng bằng rời bỏ quê lên các thành phố lớn làm công nhân
trong 10 năm qua. Nhiều vùng thôn quê bây giờ chỉ còn người già và trẻ con. Mấy
năm sau, đứa nhỏ nhìn cha mẹ trở về trong ánh mắt lạ lẫm vì tưởng “người dưng
nước lã”. Đó là “vết thương xã hội” khó có thể chữa lành.
Công nhân lao động thủy sản luôn phải làm việc trong môi
trường vất vả - Ảnh: Trần Lưu |
Theo ông Hiệp, thông thường, các vùng
nông thôn là nơi cung cấp nguyên liệu như: lúa gạo, trái cây, thủy hải sản… Và
lẽ ra các doanh nghiệp sẽ đầu tư về đây, vừa phát triển sản xuất kinh doanh,
vừa giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ. Tuy nhiên, vì nhiều bất cập, mà
trong đó sự yếu kém về hạ tầng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh
nghiệp chỉ đầu tư tại các khu vực đô thị. Và làn sóng di cư vẫn tiếp tục diễn
ra, người lao động phải gồng gánh thêm áp lực thuê nhà, xa quê, xa gia đình
trong nỗi nhớ mong, buồn tủi trên đất khách.
“Công nhân lớn tuổi một chút đã bị
thải loại, phụ nữ suốt ngày quanh quẩn trong nhà máy, thậm chí không có thời
gian bạn bè hay nghĩ đến chuyện lấy chồng… Tất cả đã cho thấy những bất cập
giữa phát triển kinh tế đô thị với nông thôn, giữa phát triển kinh tế công
nghiệp và nông nghiệp, mà ở đó, công nhân lao động là những người bị thiệt đủ
đường”.
Nghe công ty báo có hàng
về, chị Cẩm mừng quýnh, ăn vội bữa cơm với trứng và rau luộc, để chuẩn bị vào
ca. Họ, những người công nhân thủy sản đang thầm lặng mỗi ngày đưa con tôm, con
cá vươn xa; trở thành món ăn xa xỉ nơi hàng, quán. Nhưng, với họ - chưa bao giờ
tự có cho mình một bữa ăn tươm tất!
PHÓNG SỰ CỦA TRẦN LƯU Ảnh & Video: TRẦN
LƯU - TRẦN YẾN - TUYẾT HẰNG Đồ họa: AN NHIÊN |
Nhận xét
Đăng nhận xét