YẾN PHƯƠNG
Ngày 20.9, tại TP Cần Thơ diễn ra buổi hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".
Trình độ lao động thuộc top thấp nhất cả nước
Tại buổi hội thảo, T.S Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) - nhận định, hiện nay, việc phát triển du lịch của vùng ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những lý do quan trọng chính là về giáo dục, trình độ lao động qua đào tạo vùng ĐBSCL vẫn thuộc một trong hai vùng thấp nhất trong cả nước.
Trước hết, nguồn nhân lực du lịch vùng thiếu hụt về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, nguồn nhân lực du lịch vùng chưa qua đào tạo chiếm khoảng 51%; về chuyên môn du lịch, kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ… còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hiệu quả từ công tác đào tạo về du lịch chưa cao, phần đông sinh viên ra trường đều chưa có kỹ năng chuyên sâu, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống; việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và địa phương còn hạn chế; chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa đầy đủ...
T.S
Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL – cho rằng, mặc dù thời
gian gần đây, các trường đã mở nhiều chuyên ngành đào tạo du lịch; các doanh
nghiệp cũng chú trọng tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ; tuy nhiên trong
thực tế, vẫn chưa có một cơ chế và các mô hình liên kết vùng phát triển nguồn
nhân lực du lịch vùng thật sự mang lại hiệu quả tốt nhất.
“Các
liên kết vừa qua giữa chính quyền với chính quyền, thông qua kí kết các chương
trình hợp tác, trong đó có nội dung phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhưng
chủ yếu dựa vào “mối quan hệ tốt đẹp” giữa các địa phương với nhau, là sự cam
kết tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lí, nên hiệu quả chưa nhiều”,
T.S Hiệp nói.
Phát
triển nguồn nhân lực mang tính dài hạn
Để
giải bài toán nguồn nhân lực du lịch, T.S Trần Hữu Hiệp đề xuất thành lập Ban
Điều phối phát triển du lịch ĐBSCL, nhằm điều phối hoạt động du lịch chung của
cả vùng, trong đó có chương trình liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch
vùng theo nhu cầu phát triển du lịch hiện nay.
Đồng
thời, kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du
lịch, hình thành các “Cluster – cụm ngành du lịch”; có chương trình cấp vùng hỗ
trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo trọng tâm, trọng điểm ưu tiên phát
triển ngoại ngữ, kiến thức du lịch bản địa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công
nghệ và công nghệ thông tin vào ngành du lịch...
Theo T.S Nguyễn Anh Tuấn, để phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng vùng ĐBSCL, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra về nhân lực du lịch; các cơ sở đào tạo cần có cơ chế đãi ngộ hợp lý, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và địa phương trong và ngoài vùng về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; có cơ chế, chính sách phù hợp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng....
"Con người là yếu tố quyết định mọi hoạt động, và để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển về du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vùng ĐBSCL cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng mang tính dài hạn, đảm bảo chuẩn về chuyên môn, tay nghề về phục vụ du lịch, về trình độ... mới có thể phát huy tối đa tiềm lực cũng như tranh thủ được các thời cơ thuận lợi trong điều kiện mới", T.S Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
https://laodong.vn/xa-hoi/giai-bai-toan-nguon-nhan-luc-du-lich-chat-luong-vung-dbscl-1397050.ldo
Nhận xét
Đăng nhận xét