TPO - Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều thế mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc. Tuy nhiên, thực tế du lịch trong vùng chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những lý do dẫn tới thực tế trên đó, do trình độ lao động du lịch qua đào tạo của vùng thuộc nhóm thấp nhất cả nước.
Ngày 20/9, tại TP. Cần Thơ diễn ra Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL, do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp Báo Công Lý tổ chức.
Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: Hòa Hội. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) - cho biết, vùng ĐBSCL có nhiều thế mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc. Tuy nhiên, thực tế du lịch trong vùng chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những lý do dẫn tới thực tế trên đó, do trình độ lao động (LĐ) du lịch qua đào tạo của vùng thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Do đó, việc xây dựng sản phẩm, tổ chức, liên kết hợp tác, vận hành hoạt động du lịch đến du khách còn nhiều hạn chế.
Hiện, cả nước có trên 1,3 triệu LĐ du lịch, trong đó chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Cả vùng ĐBSCL có 150.000 LĐ du lịch, trong đó 51% chưa qua đào tạo, số LĐ du lịch trình độ đại học trở lên chỉ 8%. Trong đó, Bến Tre chiếm gần 21% tổng số LĐ du lịch của cả vùng; các địa phương Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang chiếm gần 50% tổng số LĐ du lịch còn lại.
Ông Tuấn đánh giá, số LĐ du lịch trong vùng ĐBSCL có chuyên môn, kỹ năng cao, chất lượng vừa thiếu vừa yếu, số LĐ chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa, thiếu cả LĐ có trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Trong đó, khoảng 30-40% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn về ngoại ngữ, hạn chế về công nghệ.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho biết, năm 2023, doanh thu của tỉnh từ du lịch đạt trên 1.700 tỷ đồng, với trên 2 triệu lượt khách. Riêng nửa đầu năm nay, du lịch tỉnh Trà Vinh đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, với trên 1,5 triệu lượt khách.
Hiện, tỉnh Trà Vinh có hơn 1.400 người làm trong ngành du lịch. Toàn tỉnh có 2 cơ sở đào tạo ngành du lịch, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Ông Thiện cho rằng, phần lớn LĐ du lịch trong tỉnh là LĐ phổ thông, LĐ gia đình chưa qua đào tạo nghề, đa số không biết ngoại ngữ, hoặc chỉ được đào tạo các lớp nghiệp vụ ngắn hạn.
TS. Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch ĐBSCL - nêu ý kiến, du lịch của vùng có cả lợi thế về không gian, sản phẩm và nguồn nhân lực. Song, thực tế chưa được đầu tư đúng mức cũng, khai thác chưa hiệu quả. Dù có nhiều cố gắng, nhưng cách làm du lịch trong vùng vẫn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, điểm đến chưa nhiều và công tác quản lý điểm đến còn nhiều hạn chế.
Ông Hiệp cũng nêu ra thực tế, du lịch vùng ĐBSCL chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có, thiếu đầu tư dài hạn, thiếu liên kết. “Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch là điểm yếu chính”, TS. Hiệp nói.
Để khai thác hiệu quả du lịch miền Tây, ông Hiệp đề xuất cần có chương trình cấp vùng về đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ, tin học. Đi liền với đó, các địa phương trong vùng phải có sản phẩm du lịch đặc thù theo cụm, không gian du lịch vùng.
Du khách tham quan du lịch tại TP Cần Thơ. Ảnh: Hòa Hội. |
Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ - chỉ ra, đào tạo nguồn nhân lực du lịch là một trong những giải pháp quan trọng bậc nhất, quyết định phát triển du lịch, trong đó cần chú trọng mối liên kết giữa “ba nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà sử dụng LĐ; áp dụng một cách đồng bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) vào đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân lực du lịch.
Nhận xét
Đăng nhận xét