Chí Nhân
Thanh Niên - 05/10/2024 05:47 GMT+7
Trong 9 tháng qua, VN đã chi đến 1 tỉ USD để nhập khẩu gạo; 1,2 tỉ USD cho mặt hàng thịt. Các chuyên gia nói gì về những con số này?
Nhập khẩu lúa, gạo giúp VN mạnh hơn
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo của VN đạt 4,37 tỉ USD, tăng tới 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người chú ý hơn là con số nhập khẩu gạo cũng ở mức cao kỷ lục, 1 tỉ USD, tăng 57% so với năm trước, vượt mức 860 triệu USD của cả năm 2023.
Gạo VN xuất siêu tăng mạnh nhờ nhập khẩu tăng ẢNH: CÔNG HÂN |
Trên thực tế, việc nhập khẩu gạo và cả lúa của VN đã diễn ra nhiều năm qua. Nguồn hàng nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ dùng phục vụ nhu cầu chế biến (hủ tiếu, bún, phở, bánh tráng…) và Campuchia bổ sung nguồn hàng cho hoạt động xuất khẩu. Nếu không nhập khẩu thì VN sẽ không thể có lượng gạo xuất khẩu lịch sử lên tới 8,1 triệu tấn vào năm 2023 vì năng lực sản xuất của VN đã đạt đến ngưỡng giới hạn. Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy trong 9 tháng qua, diện tích gieo cấy của VN đạt 6,94 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích thu hoạch là 5,4 triệu ha, tăng 0,7% so với năm 2023. Sản lượng thu hoạch cũng tăng 1,5% và đạt 34 triệu tấn lúa. Trong khi đó, nguồn cung lúa của VN ổn định trong khoảng 43 triệu tấn mỗi năm.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đồng thời là thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho hay VN bắt đầu nhập khẩu gạo từ nhiều năm qua và đặc biệt tăng nhập từ năm 2020. "Theo quy luật thị trường, việc nhập khẩu lúa và gạo này có tác động một phần tới giá gạo nội địa. Nhưng giá lúa gạo nội địa còn nhiều yếu tố khác chi phối chứ không riêng gì việc nhập khẩu. Lúa gạo nhập khẩu có vai trò quan trọng là bổ sung vào nguồn cung gạo VN ra thế giới, đặc biệt vào giai đoạn giữa các vụ mùa của VN. Bên cạnh đó, nhập khẩu gạo cũng giảm áp lực cho các nhà sản xuất các sản phẩm từ gạo phải mua nguyên liệu với giá cao, kéo theo giá thành đầu ra cũng cao. Đối với hoạt động xuất khẩu, nhờ sự linh hoạt bổ sung nguồn cung từ các thị trường lân cận mà khách hàng quốc tế cũng đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của doanh nghiệp VN cho các đơn hàng lớn", ông Bình nói.
Một số chuyên gia phân tích nếu chúng ta "giật mình" khi thấy VN nhập khẩu gạo tăng kỷ lục thì cũng có thể đặt ngược lại vấn đề là vì sao thế giới đang khan hiếm gạo, nhập khẩu khó khăn mà VN vẫn có thể tăng nhập khẩu? Câu trả lời là năng lực làm thương mại của doanh nghiệp lúa gạo VN được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây. Trong khu vực chỉ có doanh nghiệp VN và Thái Lan có thể đảm nhận các đơn hàng lớn từ 50.000 tấn trở lên. Đó chính là lý do một số nước lân cận phải bán gạo cho VN để chúng ta xuất khẩu thay vì bán trực tiếp cho khách hàng để thu lợi lớn hơn. "Các thị trường như Singapore hay Hồng Kông đâu có làm ra hạt gạo nào nhưng các doanh nghiệp ngành gạo của họ rất mạnh bởi họ làm thương mại tốt và các doanh nghiệp VN đang phát triển theo hướng đó. Nếu chúng ta nhìn vào giá trị xuất siêu của gạo VN trong 5 năm gần đây sẽ thấy rõ", một chuyên gia dẫn chứng.
Đồng tình với quan điểm trên, TS
Trần Hữu Hiệp (Trường ĐH FPT Cần Thơ) nói: Chúng ta đang sống trong một thế
giới phẳng và kinh tế hội nhập nên việc phát triển thương mại là điều bình
thường. Nếu việc nhập khẩu là đúng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và
có lợi về mặt kinh tế thì rất nên khuyến khích. VN cũng xác định chủ trương là
phát triển kinh tế nông nghiệp thay cho tư duy sản xuất nông nghiệp. Chúng ta
đặt mục tiêu "giảm nhẹ mang vác nặng, tăng giá trị cho nông sản
VN".
Trong những năm gần đây, hạt gạo
VN cải thiện được phẩm chất và nâng dần giá trị. Chúng ta mang sản phẩm có giá
trị cao đi bán; mua những sản phẩm gạo giá trị thấp, phù hợp hơn với nhu cầu
chế biến để tạo giá trị gia tăng, nhằm tối ưu hóa lợi ích thì đó là điều rất
tốt. "Việc các doanh nghiệp vươn mình phát triển thành các nhà thương mại
gạo khu vực và thế giới là điều rất đáng mừng thay vì chỉ hoạt động xuất khẩu
đơn thuần. Khi doanh nghiệp VN mạnh về thương mại cũng đồng nghĩa đầu ra của
chúng ta mở rộng hơn. Nếu nhìn theo hướng này chúng ta cần tạo điều kiện để các
doanh nghiệp tiếp tục phát triển", ông Hiệp nói.
Thực tế không chỉ gạo mà với tôm, hạt điều, từ rất lâu VN cũng đã nhập khẩu nguyên liệu về chế biến. Việc này cho thấy nhu cầu của nền kinh tế đã được đa dạng. Các nhà máy phải được quyền lựa chọn để tối ưu hóa việc sản xuất và giá thành.
Thịt nhập vẫn lo sản phẩm thải loại, cận date
Nếu nhập khẩu gạo là một bước tiến từ sản xuất sang thương mại thì nhập thịt lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Trong 9 tháng qua, VN chi 1,2 tỉ USD để nhập khẩu thịt, phụ phẩm động vật; tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu từ Ấn Độ, Mỹ, Nga, Đức, Hàn Quốc. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt và sản phẩm dạng thịt của VN không đáng kể.
Không chỉ ở các thành phố lớn, thịt nhập đã được phân phối rộng khắp cả nước với giá phổ biến chỉ có 50.000 - 55.000 đồng/kg. Các loại phụ phẩm từ heo, bò và gà như da, chân, xương, lòng… chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, phân tích: Do ảnh hưởng nguồn cung hạn chế nên từ đầu năm đến nay giá heo hơi ở mức khá, ngoại trừ giai đoạn tháng 7 âm lịch có phần hạ nhiệt. Đây là điều kiện thuận lợi cho thịt ngoại nhập gia tăng. Trong giai đoạn sắp tới, nguồn thịt ngoại vào VN có thể tiếp tục gia tăng do nhiều tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bão lũ, nguồn cung giảm. Tại Đồng Nai, nhiều hộ chăn nuôi cũng giảm đàn, nghỉ nuôi do vướng quy định về đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. "Đối với những người còn giữ nghề chăn nuôi thì điều lo lắng nhất vẫn là tình trạng nhập lậu qua biên giới mỗi khi giá nội địa tăng. Bên cạnh đó là nguồn thịt đông lạnh thải loại, cận date (hạn sử dụng) từ các nước phát triển với giá rẻ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng", ông Đoán cảnh báo.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, hiện tại ngành chăn nuôi đang chuyển dần từ hướng nông hộ sang trang trại quy mô lớn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là một số tập đoàn lớn trong nước. Điều này giúp ngành chăn nuôi VN ngày càng tiếp cận với trình độ thế giới. Tuy nhiên, giá thành chăn nuôi của VN vẫn còn cao do phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và cũng phụ thuộc luôn vào các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi nước ngoài. Đó chính là lý do thịt nhập không ít thời điểm đè thịt nội, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét