Trần Hữu Hiệp
SGGP – 13-12-2024
Sếu và sen là biểu
tượng của tỉnh Đồng Tháp. Láng Sen, Tràm Chim, Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), đồng
cỏ bàng Phú Mỹ (Giang Thành, Kiên Giang) là những nơi loài chim di trú này thường
xuất hiện khi chúng tìm thấy môi trường sống lý tưởng. Việc bảo tồn sếu đầu đỏ
không chỉ nhằm bảo vệ một loài chim nguy cấp mà còn giúp duy trì và phục hồi hệ
sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười vốn là “lá phổi xanh” của vùng ĐBSCL.
Sếu đầu đỏ là một nét đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Cổng thông tin UBND tỉnh Đồng Tháp) |
Nếu không có hành động quyết liệt, Việt Nam có thể mất hoàn toàn đàn sếu trong vòng vài thập kỷ tới. Điều này đòi hỏi các chính sách bảo tồn cần được ưu tiên và lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế bền vững của vùng ĐBSCL. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp bảo vệ đàn sếu đầu đỏ thông qua đề án “Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, giai đoạn 2022-2032” là kịp thời, cần thiết.
Về kinh tế, đề
án có thể đóng góp vào sự phát triển du lịch của Đồng Tháp, tạo ra sản phẩm du
lịch đặc thù, tự nhiên, sinh thái, độc đáo. Về mặt xã hội, thực hiện đề án góp
phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ thiên nhiên, tạo ra cơ hội việc
làm trong lĩnh vực bảo tồn và du lịch. Đồng thời dự án góp phần gìn giữ giá trị
văn hóa gắn liền với vùng đất Đồng Tháp Mười. Về môi trường, đề án góp phần
khôi phục và bảo tồn đất ngập nước sẽ cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ
đa dạng sinh học và tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái trước tác động
của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thực
tiễn cũng đang đặt ra nhiều thách thức trước nỗ lực của một địa phương như Đồng
Tháp. Trong mấy thập niên qua, số lượng sếu về ĐBSCL giảm mạnh do mất môi trường,
thay đổi khí hậu và các tác động của con người. Môi trường sống của sếu đầu đỏ
không đóng khung trong ranh giới hành chính tỉnh mà mọi tác động tiêu cực của
các địa phương trong vùng đều có thể đẩy đàn sếu ra đi. Điều này rất cần sự phối
hợp nội vùng, liên vùng và hỗ trợ của Trung ương, tổ chức quốc tế.
Đồng Tháp có thể
gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách để thực hiện đề án nếu không nhận được
sự hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức quốc tế và sự phối hợp của các địa phương.
Bảo tồn sếu là trách nhiệm không chỉ của một tỉnh mà còn của quốc gia và cộng đồng
quốc tế. Tìm kiếm các nguồn tài trợ, hợp tác công - tư, phát triển các dự án
liên kết vùng sẽ giảm áp lực ngân sách cho Đồng Tháp; đồng thời là nguồn cổ vũ
để địa phương thực thi đề án mang nhiều ý nghĩa này.
Khôi phục và bảo
vệ môi trường sống cho đàn sếu cần đầu tư việc phục hồi các vùng đất ngập nước
tự nhiên như Tràm Chim và các khu bảo tồn khác của các địa phương lân cận để tạo
ra môi trường sống an lành cho đàn sếu. Theo đó, giảm thiểu tác động của sản xuất
nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bằng cách khuyến khích các phương thức canh
tác bền vững. Quy hoạch lại các khu vực đất ngập nước quan trọng, thiết lập các
hành lang sinh thái để kết nối môi trường sống của sếu, tăng cường liên kết
vùng và hợp tác quốc tế.
Đề án bảo tồn sếu
đầu đỏ của Đồng Tháp có thể kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thu hút
khách du lịch quan tâm đến động vật hoang dã. Các hoạt động như tham quan vườn
quốc gia, xem sếu và giáo dục môi trường có thể mang lại nguồn thu cho địa
phương, giảm áp lực về nguồn lực đầu tư khan hiếm. Xây dựng các chương trình trải
nghiệm thiên nhiên nhằm thu hút du khách và tăng cường ý thức bảo vệ động vật
hoang dã.
Bảo vệ sếu đầu đỏ
không chỉ là trách nhiệm đối với loài động vật quý hiếm mà còn là nhiệm vụ bảo
vệ sự cân bằng của hệ sinh thái và giá trị văn hóa của vùng ĐBSCL.
https://www.sggp.org.vn/dong-thap-goi-seu-ve-post772768.html
Nhận xét
Đăng nhận xét