Trần Hiệp Thủy
NLĐ - 08/03/2025
08:30
Xuất khẩu gạo vốn là mảng sáng
trong bức tranh xuất khẩu nông sản của nước ta. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 9
triệu tấn gạo, mang về hơn 5,7 tỉ USD.
Đây là con số kỷ lục sau 35 năm Việt Nam trở lại thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu. Giá gạo Việt Nam tại nhiều thời điểm trong năm qua cũng cao hơn gạo Thái Lan và Ấn Độ.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay, do biến động
lớn về cung - cầu, việc xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Thời
điểm này, giá gạo xuất khẩu của chúng ta giảm mạnh, thấp hơn so với Ấn Độ và
Thái Lan.
Thực tế, mỗi khi gặp biến động lớn về cung - cầu
hay các nước nhập khẩu thay đổi chính sách gây bất lợi, giá lúa trong nước lại
lao đao, tác động trực tiếp đến nông dân. Nhiều hộ phải bán lúa ngay khi thu
hoạch vì không có điều kiện tích trữ, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng
chịu sức ép từ chi phí logistics và yêu cầu chất lượng ngày càng cao từ thị
trường quốc tế.
Việc Ấn Độ quay lại thị trường sau 2 năm hạn chế
xuất khẩu gây áp lực lớn đối với gạo Việt Nam. Sự cạnh tranh từ Thái Lan,
Pakistan và Campuchia cũng buộc chúng ta phải điều chỉnh giá để giữ thị phần.
Sự phụ thuộc vào các thị trường lớn khiến Việt Nam
dễ bị động trước các biến động chính sách nhập khẩu của họ. Trong khi đó, với
những thị trường có giá trị cao như EU, Mỹ, Nhật Bản thì chúng ta vẫn chưa khai
thác đúng mức.
Giải pháp căn cơ, lâu dài cho vấn đề này là hoàn
thiện chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng bền vững. Trong đó, cần phát huy vai trò
liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ. Nếu không có sự
phối hợp chặt chẽ, nông dân vẫn sẽ sản xuất theo phương thức truyền thống, bị
động trước nhu cầu thị trường và dễ rơi vào cảnh "được mùa mất giá".
https://nld.com.vn/hoan-thien-chuoi-gia-tri-lua-gao-196250307224805072.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét